Chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo
BHG - Có thể thấy, một trong những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên sử dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta chính là lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là việc ban hành và triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Gần đây, nhân việc cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến dự thảo nghị định thay thế Nghị định số: 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức phản động, nhà đài thiếu thiện chí với Việt Nam như Việt Tân, RFA… đồng loạt lu loa, xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Việt Nam. Chúng vu khống hai dự thảo mới về tín ngưỡng, tôn giáo nêu trên là “một bước lùi về chính sách tôn giáo”, “bóp nghẹt tự do tôn giáo”, “đàn áp tôn giáo vẫn tiếp diễn”…
Chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Điều 24 Hiến pháp ghi rõ “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định, hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện và bảo đảm hoạt động, sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 95% người dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo; cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hàng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội. Trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động, hơn 57.400 chức sắc, trên 147.000 chức việc, khoảng 29.800 cơ sở thờ tự của các tôn giáo…
Nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo là cơ sở thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về tôn giáo hiện nay là yêu cầu khách quan, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, việc ban hành nghị định xử phạt là sự thể chế chủ trương hoàn thiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đảm bảo mọi người trong đó có cá nhân, tổ chức tôn giáo sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cũng như tạo sự thống nhất và đồng bộ trong các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)
Ý kiến bạn đọc