Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang giám sát chuyên đề đối với Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế
BHG - Ngày 22.12, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang do đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi giám sát chuyên đề đối với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tình hình thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh và giám sát đối với Sở Y tế về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tham gia Đoàn có các ĐBQH khóa XV tỉnh: Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Tráng A Dương, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan kết luận buổi giám sát với Sở Giáo dục và Đào tạo. |
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT: Tính đến tháng 12.2022, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh được triển khai theo đúng tiến độ, lộ trình và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, đồng thời tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời đến các cơ sở giáo dục về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện việc sáp nhập và chuyển học sinh Tiểu học về trường chính để đảm bảo việc dạy 2 buổi/ngày. Cùng đó, ngành đã vận dụng sáng tạo những ưu điểm của mô hình trường học mới vào giảng dạy trong sách giáo khoa hiện hành, triển khai phương pháp dạy học tích cực, tích hợp giáo dục kỹ năng sống thông qua các tiết dạy, hoạt động ngoài giờ lên lớp; việc lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo đúng quy định…
Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan kết luận buổi giám sát với Sở Y tế. |
Báo cáo của Sở Y tế cho thấy: Trong 2 năm qua, mặc dù đối diện nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế đã nỗ lực, tận dụng tối đa cơ sở vật chất, nhân lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn từ 2020 đến nay, để phục vụ công tác phòng, chống dịch, Sở Y tế đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho tỉnh huy động kinh phí được hơn 756 tỷ đồng từ các nguồn: Ngân sách nhà nước, Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Qũy vắc xin phòng Covid-19, nguồn viện trợ nước ngoài và nguồn xã hội hóa. Các nguồn kinh phí này thực hiện cho các nhiệm vụ như: Mua thuốc, vật tư hóa chất, kít test xét nghiệm, phương tiện phòng, chống dịch, chi phí cho người bị áp dụng cách ly y tế… Ngoài ra, ngành Y tế huy động hơn 3.000 cán bộ y tế tham gia phòng, chống dịch và trực tại các chốt khu vực biên giới. Đối với mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng thường xuyên được củng cố, kiện toàn; năng lực dự báo, giám sát và phòng chống dịch bệnh được nâng lên; tình hình mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm có chiều hướng giảm qua các năm; công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đảm bảo…
Làm việc với Đoàn giám sát, lãnh đạo Sở GD&ĐT kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục ban hành các chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh vùng dân tộc thiểu số; xem xét không thực hiện tinh giản biên chế đối với giáo viên ở các vùng đặc biệt khó khăn. Lãnh đạo Sở Y tế đề xuất Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội sớm ban hành việc sửa đổi một số văn bản luật như Luật: Khám bệnh chữa bệnh, Dân số, Đấu thầu, Phòng chống bệnh truyền nhiễm; đề nghị Chính phủ có cơ chế trong việc tuyển dụng, đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực y tế cho hệ thống y tế dự phòng và y tế tuyến cơ sở…
Tin, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc