Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật
BHG - Ngày 8.11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV làm việc tập trung tại hội trường, nghe báo cáo công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao năm 2022; nghe và thảo luận vào các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.
Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ dự phiên thảo luận |
Theo báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để vừa bảo đảm phát triển KT-XH, vừa bảo đảm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật. Về tổng thể, vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,69%, trong đó tội phạm có tổ chức, tội hiếp dâm, tội phạm xâm phạm sở hữu cũng có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, một số loại tội phạm gia tăng như: Giết người tăng 13,17%, cho vay lãi nặng tăng 41,95%. Một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội phạm về ma túy, cướp, cướp giật. Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97%, cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa.
Quang cảnh phiên thảo luận |
Công tác điều tra tội phạm, áp dụng biện pháp ngăn chặn và công tác thi hành tạm giữ, tạm giam đã có nhiều chuyển biến tích cực, một số nội dung đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là 82,96%, chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt, tạm giữ, tạm giam và công tác thi hành tạm giữ, tạm giam vẫn còn vi phạm. Vẫn còn 18 trường hợp bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận |
Đối với công tác của ngành Kiểm sát năm 2022, Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp tiếp tục chú trọng và tăng cường công tác này. Nhiều biện pháp được thực hiện đạt kết quả tích cực hơn so với năm 2021 như: Số cuộc kiểm sát trực tiếp tăng 23,2%; số kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm tăng so với năm 2021. Công tác xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn về cơ bản chặt chẽ, đúng pháp luật. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh vượt so với yêu cầu của Quốc hội.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tại phiên thảo luận |
Về ngành Tòa án, năm 2022, công tác giải quyết các vụ việc dân sự đạt kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc dân sự đạt cao (87,07%) và vượt 9,07% chỉ tiêu Quốc hội giao. Đã hạn chế đến mức thấp việc để án quá hạn luật định. Tỷ lệ hòa giải thành công đạt cao (49,23%); đã tổ chức được 4.916 phiên tòa rút kinh nghiệm. Tỷ lệ án bị hủy (0,4%) và sửa (0,5%) do nguyên nhân chủ quan, đáp ứng yêu cầu Quốc hội giao. Đồng thời, các tòa án đã có nhiều nỗ lực trong công tác giải quyết án hành chính. Tỷ lệ giải quyết án tăng nhiều so với năm trước, đạt 72,6% và vượt 12,6% chỉ tiêu Quốc hội giao; đã chú trọng việc thu thập tài liệu, chứng cứ và tổ chức đối thoại giữa các bên, tỷ lệ đối thoại thành công đạt 7,09%...
Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhiều vụ án lớn, phức tạp về kinh tế, tham nhũng được phát hiện, giải quyết kịp thời, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Đại biểu Trần Công Phàn thảo luận |
Theo đại biểu Trần Công Phàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, qua báo cáo của các cơ quan cho thấy các chỉ tiêu mà Quốc hội giao thì hầu hết là đạt và vượt kế hoạch cho thấy đây là nỗ lực lớn, cố gắng lớn của các cơ quan trong bối cảnh áp lực công việc, tình hình tội phạm vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Do đó, kết quả đạt được là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, kết quả nêu trên mới chỉ tập trung vào công tác “chống” còn “phòng” vẫn chưa được chú trọng. Các cơ quan tư pháp cần tiếp tục kiến nghị, chỉ ra được những nguyên nhân để phối hợp cùng các bộ, ngành quyết liệt hơn nữa, nêu cao tinh thần “không làm, không dám” tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí thảo luận |
Tập trung phân tích vấn đề “tham nhũng vặt”, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội cho rằng, “tham nhũng vặt” diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc hay giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách "bóp chặt". Theo đại biểu, với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp biếu xén, thậm chí nhiều vụ việc thì còn đòi hỏi “phí bôi trơn”. Điều đáng lo ngại là điều này ngày càng trở nên phổ biến. “Mong muốn của cử tri, của Nhân dân là Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống “tham nhũng vặt”, chống tiêu cực trong xã hội”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu thảo luận |
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đánh giá cao kết quả phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án của các cơ quan tố tụng. Đồng thời điểm lại một số khó khăn của ngành tòa án. Đại biểu kiến nghị Quốc hội tiếp tục có cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trụ sở, đầu tư trang thiết bị cho các tòa án cấp tỉnh, cấp huyện, các trại tạm giam các tỉnh, các kho vật chứng và cơ sở vật chất, thiết bị của cơ quan thi hành án để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời Quốc hội xem xét tăng số lượng thẩm phán, thư ký tòa án các cấp, đặc biệt là thẩm phán sơ cấp, trung cấp cho cả tòa.
Đại biểu Phạm Đình Thanh thảo luận |
Kiến nghị về công tác phòng, chống tội phạm ma túy, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) mong muốn Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan tư pháp và chính quyền các tỉnh, thành phố cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, nâng cao hiệu quả đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Đồng thời cần chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ hơn về công tác cai nghiện ma túy và biện pháp quản lý người nghiện ma túy ở địa phương, nhất là người nghiện ma túy ở ngoài cộng đồng, thực hiện hiệu quả chặt chẽ công tác theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm do người nghiện ma túy gây ra.
Duy Tuấn (tổng hợp); Ảnh: CTV
Ý kiến bạn đọc