Đoàn công tác của Bộ Lao động – TBXH làm việc tại Hà Giang
BHG - Chiều 3.11, Đoàn công tác của Bộ Lao động – TBXH do đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Giang về tình hình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với đoàn. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động – TBXH; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh…
Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Văn Thanh kết luận buổi làm việc. |
Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh có hơn 79.000 hộ nghèo, chiếm trên 42% tổng số hộ toàn tỉnh; trong đó 7 huyện nghèo của tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo chiếm từ 48,83 – 67,96%; số hộ cận nghèo toàn tỉnh hơn 24.500 hộ, chiếm 13% tổng số hộ toàn tỉnh. Ngoài thu nhập dưới chuẩn nghèo, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh còn thiếu hụt các nhu cầu xã hội cơ bản như: Việc làm, dinh dưỡng của trẻ em, trình độ giáo dục của người lớn, nhà ở, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và tiếp cận thông tin…
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, kế hoạch, quyết định để triển khai, đặc biệt là công tác chuẩn bị hướng dẫn và triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình cho các ngành, huyện, thành phố thực hiện. Đến nay, các huyện, thành phố đã giao xong kinh phí cho các Ban Quản lý, chủ đầu tư thực hiện Chương trình, dự án năm 2022 và giai đoạn 2021 – 2025. Tính đến tháng 10.2022, các huyện đã triển khai đầu tư khởi công mới 62 công trình liên xã thiết yếu, gồm các công trình về: Giao thông, điện, giáo dục, y tế, nước sinh hoạt, chợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý đề nghị các sở, ban, ngành tập trung thảo luận, trình bày các khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào các vấn đề: Kết quả tham mưu ban hành văn bản quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; kết quả phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư phát triển năm 2022 và vốn sự nghiệp…
Đồng chí Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo đó, đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh trình bày một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình như: Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn của tỉnh; kinh phí về đào tạo nghề phân bổ cho tỉnh khó có thể thực hiện trong năm 2022 theo quy định; một số hoạt động sản xuất nông nghiệp khó triển khai do điều kiện tự nhiên và khí hậu khắc nghiệt tại các huyện vùng cao. Các đại biểu kiến nghị T.Ư cho tỉnh xin kéo dài thời hạn thanh toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình đến hết năm 2023 do một số dự án của Chương trình sẽ phải kéo dài thời gian thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Văn Thanh chia sẻ khó khăn và giải đáp các kiến nghị của tỉnh trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Đồng chí đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình của tỉnh thời gian qua, nhất là trong việc giải ngân vốn thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Thời gian tới, đồng chí đề nghị tỉnh thực hiện giải ngân vốn cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải; thực hiện hiệu quả các dự án đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững cho người dân; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; quan tâm công tác an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động…
Tin, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc