Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
BHG - Sáng 24.10, tiếp tục chương trình làm việc, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thảo luận tập trung tại hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 24.10 |
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, đại biểu Vương Thị Hương tán thành báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời tham gia một số ý kiến, như: Tại Điều 4 quy định “Chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh”, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thể hiện qua 7 chính sách trong dự thảo. Tuy nhiên, trước thực trạng thiếu nhân lực y tế nói chung và nhân lực có trình độ là bác sỹ ở tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là đối với vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, đề nghị bổ sung thêm quy định chính sách của Nhà nước về đào tạo nhân lực có trình độ tại các vùng này phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển theo từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình trước Quốc hội về Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). (Ảnh: Minh Đông - TTXVN) |
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang tại phiên họp |
Tại Điều 7 dự thảo Luật quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm”, để đảm bảo quy định đầy đủ các hành vi có thể xảy ra trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, bảo vệ người bệnh và đảm bảo cho việc tổ chức triển khai thực hiện sau này. Đề nghị bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm là: “Lợi dụng việc khám bệnh, chữa bệnh để có hành vi quấy rối, xâm hại tình dục người bệnh”.
Tại Điều 57, quy định “quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, đề nghị bổ sung thêm nội dung: Được quyền từ chối cho người nhà người bệnh vào bệnh viện nếu người nhà vi phạm các trường hợp sau: Không tuân thủ quy chế hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, gây mất trật tự, mất an toàn cho nhân viên y tế hoặc không bảo vệ tài sản của bệnh viện hoặc các vi phạm pháp luật khác. Đề nghị ban sọan thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định “Quyền và nghĩa vụ của thân nhân người bệnh trong cơ sở khám, chữa bệnh” phù hợp thực tiễn.
Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) (Ảnh: Minh Đông - TTXVN) |
Tại Điều 78 dự thảo Luật quy định nội dung: Khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Để bao hàm đầy đủ hoạt động hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, đề nghị bổ sung cụm từ “khám bệnh” vào khoản 1, và viết lại như sau: “các hình thức khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa”. Cũng tại Điều 78 đang quy định hình thức khám bệnh, chữa bệnh từ xa theo danh mục bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, mà chưa quy định điều kiện cụ thể để áp dụng các hình thức này. Tuy nhiên, khám bệnh, chữa bệnh từ xa cũng đồng nghĩa với việc người hành nghề không thể trực tiếp “sờ”, “gõ”, “nghe”, làm cận lâm sàng trong khi đây là những kỹ năng rất quan trọng, cơ bản, cần thiết trong khám chữa bệnh, dẫn tới có nguy cơ chẩn đoán sai, vì vậy đề xuất điều kiện áp dụng đối với khám bệnh, chữa bệnh từ xa chỉ trong trường hợp người bệnh không thể đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất.
Đối với “Hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa” đề xuất điều kiện áp dụng: Trong trường hợp cấp cứu mà điều kiện người bệnh chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác sẽ nguy cơ xấu hơn cho tình trạng sức khỏe người bệnh.
Tại điểm b, khoản 1, Điều 80 về điều khoản "bắt buộc chữa bệnh" quy định các trường hợp buộc chữa bệnh, trong đó bao gồm đối tượng: “Bệnh nhân tâm thần ở trạng thái kích động có khả năng gây nguy hại cho bản thân hoặc có hành vi gây nguy hại cho người khác hoặc phá hoại tài sản”. Tuy nhiên, rất khó xác định một “bệnh nhân tâm thần” nếu chưa được các chuyên gia thăm khám và chẩn đoán xác định, vì vậy quy định này khó có thể áp dụng được trong thực tiễn.
Đối với đối tượng “đang có biểu hiện rối loạn tâm thần ở trạng thái kích động”, rất cần được bắt buộc khám chữa bệnh, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, cho người khác, cho cộng đồng vừa để xác định nguyên nhân cụ thể để điều trị hoặc có giải pháp khác phù hợp. Do đó đề nghị sửa đổi đối tượng “bệnh nhân tâm thần” quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 80 thành: “người đang có biểu hiện rối loạn tâm thần ở trạng thái kích động có khả năng gây nguy hại cho bản thân hoặc có hành vi gây nguy hại cho người khác hoặc phá hoại tài sản.”
Duy Tuấn (tổng hợp); Ảnh: CTV
Ý kiến bạn đọc