Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn Hà Giang”
BHG - Sáng 6.6, Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang”. Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm đề tài; PGS.TS Tô Thế Nguyên, Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế - Chính trị, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố.
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh: Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác giảm nghèo, ngân sách Nhà nước đầu tư hỗ trợ cho công tác giảm nghèo là rất lớn, đặc biệt là Chương trình 135, Chương trình 30A của Chính phủ. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giảm từ 43,65% năm 2016 xuống còn 18,54% cuối năm 2021 (bình quân giảm 4,19%/năm). Cụ thể: 39.465 hộ nghèo đã thoát nghèo; tỷ lệ hộ trung bình, khá từ 44,97% lên 68,42%; 7 xã nghèo thoát khỏi đặc biệt khó khăn; 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này có ý nghĩa rất lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang trong công cuộc giảm nghèo. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đầu năm 2022, tỉnh ta vẫn còn 79.102 hộ nghèo, chiếm 42,8%; 24.514 hộ cận nghèo, chiếm 13,04% số hộ toàn tỉnh; nhiều xã, huyện tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao, nhất là 7 huyện biên giới và huyện Bắc Mê...
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu khai mạc hội thảo |
Từ thực trạng đó, Ban chủ nhiệm đề tài “Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang” đã có nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn về giảm nghèo bền vững. Đánh giá thực trạng công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, thông qua việc nghiên cứu các văn bản, nghị quyết, chỉ thị của các cấp về công tác giảm nghèo bền vững; thu thập số liệu thứ cấp về thực trạng giảm nghèo; điều tra số liệu sơ cấp, phân tích đánh giá thực trạng giảm nghèo bền vững thông qua các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; tình hình thu nhập của các hộ dân bằng mô hình hồi quy tuyến tính. Từ kết quả nghiên cứu, đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các năm tiếp theo, trong đó tập trung vào đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, cải tạo vườn tạp, xóa bỏ hủ tục...
PGS.TS. Tô Thế Nguyên tham luận tại hội thảo |
Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến tham luận đánh giá nguyên nhân, bàn giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như: Phương pháp truyền thông hiệu quả đối với công tác giảm nghèo bền vững; vai trò của giáo dục – đào tạo đối với công tác giảm nghèo; tác động của hủ tục lạc hậu đối với công tác xóa đói, giảm nghèo ở Hà Giang; vai trò của sản phẩm OCOP trong giảm nghèo bền vững; thực hiện cơ chế, chính sách đối với công tác giảm nghèo bền vững; ứng dụng KHCN để gia tăng giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực; phát triển kinh tế qua mô hình vườn tạp, phát triển vườn hộ, phát triển du lịch...
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT tham luận tại hội thảo |
Hội thảo cũng nghe PGS.TS Tô Thế Nguyên trình bày về cơ sở lý luận về giảm nghèo bền vững; kết quả thực hiện các giải pháp giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang; thực trạng tiếp cận giảm nghèo bền vững của người dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang; đánh giá nghèo đa chiều tại tỉnh Hà Giang. PGS.TS Tô Thế Nguyên cũng chia sẻ và đề xuất một số giải pháp như: Tỉnh Hà Giang cần trang bị kiến thức nền tảng quản lý tài chính, quản lý kinh tế cho các hộ gia đình; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, trước mắt nâng cao chất lượng đào tạo nghề; xây dựng cơ sở dữ liệu các hộ nghèo; xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu; đầu tư phát triển nguồn nhân lực dài hạn…
Lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo tham luận tại hội thảo |
Lãnh đạo các huyện, thành phố, các ngành cũng đã có nhiều ý kiến tâm huyết tại hội thảo về những cách làm hay, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đồng thời đề xuất, kiến nghị với Nhà nước, với tỉnh những cơ chế chính sách để giảm nghèo bền vững sát với thực tế tại địa phương. Các ý kiến tại hội thảo đều có kỳ vọng, mong muốn: Để công tác giảm nghèo bền vững tại tỉnh ta đạt hiệu quả, cần quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ bà con sản xuất hàng hóa chất lượng cao, chế biến, bao tiêu sản phẩm; xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.
Tin, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc