Đoàn ĐBQH Hà Giang góp ý vào dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

14:54, 14/06/2022

BHG - Tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường sáng 14.6, đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH Hà Giang đã tham gia một số ý kiến vào dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Minh Đông TTXVN

Theo đó, đại biểu Hoàng Ngọc Định tán thành việc ban hành luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng liên quan đến dân chủ cơ sở, đồng thời thống nhất với nội dung cơ bản của dự thảo Luật. Đại biểu nêu một số ý kiến: Thứ nhất, đối tượng áp dụng trong dự thảo luật chỉ áp dụng với công dân Việt Nam, như vậy là chưa bao quát hết, đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm đối tượng là người nước ngoài đang sinh sống, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Bởi theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2021 có hơn một trăm nghìn lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó lao động giữ vị trí quản lý chiếm gần 12%, giám đốc điều hành hơn 8% và đông nhất là chuyên gia với 58%..., số người nước ngoài này đến từ hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đại biểu cho rằng, việc dự thảo luật không áp dụng với đối tượng là người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách đoàn kết, quan hệ hữu nghị, hợp tác của nước ta với các nước; không huy động được trí tuệ, tận dụng được sự tham gia đóng góp của người nước ngoài cho các hoạt động ở địa phương nơi có người nước ngoài cư trú và ảnh hưởng đến quản lý dân cư ở địa phương và Điều 48 của Hiến pháp năm 2013: “Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam”.

đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH

Đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Hoàng Ngọc Định góp ý vào dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ảnh: Minh Đông TTXVN

Thứ hai: Về hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố. Theo quy định tại Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 thì hương ước, quy ước là một nội dung do nhân dân bàn, biểu quyết và được UBND cấp huyện xem xét, công nhận theo đề nghị của UBND cấp xã. Trong dự thảo Luật, hương ước, quy ước là nội dung do nhân dân bàn, quyết định và có hiệu lực thi hành kể từ ngày UBND cấp xã ban hành công nhận. Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ cơ sở để giao UBND cấp xã công nhận hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố.

Thứ ba: Đề nghị bổ sung thêm quy định về hình thức công khai thông tin phù hợp với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với ngôn ngữ khác nhau và quy định rõ thời điểm công khai thông tin để nhân dân biết (tại Điều 10), cụ thể: “Đối với những vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống với những ngôn ngữ khác nhau thì trước khi công khai cần phải dịch thông tin cần công khai ra các thứ tiếng dân tộc thiểu số để niêm yết công khai thông tin tại trụ sở hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân cấp xã và nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc để công khai, đọc các thông tin trên hệ thống truyền thanh của cấp xã và các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc thiểu số đọc, nghe, hiểu, nắm bắt được các thông tin cần công khai”.

Theo đại biểu, cũng tại khoản 1 Điều 10, đối với các hình thức công khai thông tin nhân dân biết quy định về: Đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của HĐND, UBND cấp xã; thông qua mạng xã hội zalo, viber, facebok theo quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã và tại thôn, tổ dân phố. Các hình thức công khai thông tin nêu trên là rất khoa học, tiến bộ, phù hợp với thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, việc phủ sóng mạng viễn thông ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian qua và tương lai vẫn rất khó khăn, khó khả thi. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm vào dự thảo luật là: “Ở những nơi không thể áp dụng các hình thức công khai thông tin quy định tại các điểm b và g khoản 1 Điều 10 của luật thì được thay thế bằng các hình thức công khai khác phù hợp, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số biết được các thông tin và tham gia góp ý, quyết định, thực hiện và giám sát việc thực hiện”.

Duy Tuấn (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó thủ tướng: Kiểm soát chặt giá xăng dầu, sách giáo khoa
Tại cuộc họp về điều hành giá chiều 13/6, đại diện các bộ ngành nhìn nhận, áp lực lạm phát thời gian qua rất cao và nguy cơ lạm phát cuối năm là hiện hữu. Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu "dự báo sớm hơn" giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, cước vận tải, y tế và quản lý giá với sách giáo khoa.
14/06/2022
Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng vững chắc
BHG - Bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta mới chỉ có tiền đề về chính trị trong khi phải xây dựng tổng thể mọi mặt của một chế độ xã hội mới; đây là thời kỳ đấu tranh quyết liệt giữa “cái cũ” với “cái mới” trên mọi mặt của đời sống xã hội, cái cũ không “tự nguyện” mất đi mà ngược lại, chống lại cái mới ra đời còn “yếu ớt”, nhưng xu hướng cái mới sẽ thắng và thay thế cái cũ - đó là quy luật tất yếu của lịch sử tự nhiên, xã hội và tư duy.
13/06/2022
Báo chí với sự nghiệp xây dựng Đảng
BHG - Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong hành trình ấy có sự đóng góp to lớn của báo chí.
13/06/2022
Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận tại nghị trường Quốc hội về Luật Thanh tra (sửa đổi)
BHG - Chiều 13.6, trong phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH Hà Giang đã góp ý nhiều nội dung vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
13/06/2022