Sân bay ở chiến khu Việt Bắc, tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ
BHG - Sự kiện thể hiện tầm nhìn của Lãnh tụ Hồ Chí Minh trước hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử tưởng như “không thể có” lại diễn ra một cách suôn sẻ, đó là xây dựng sân bay ở chiến khu Việt Bắc.
Di tích sân bay Lũng Cò thuộc xã Minh Thanh, Sơn Dương, Tuyên Quang. Ảnh: Báo Ninh Thuận |
Vào năm 1944, trước hiện tượng phi công Mỹ nhảy dù xuống ngoại ô thị xã Cao Bằng nhân dân địa phương rất ngỡ ngàng, nhưng khi có ý kiến chỉ đạo kịp thời của Bác Hồ viên phi công đó được bà con cứu giúp và trao trả an toàn tại căn cứ quân đội Mỹ ở biên giới Việt - Trung. Viên trung úy phi công báo cáo với chỉ huy về sự đón tiếp chu đáo, thiện chí của Việt Minh. Cảm kích trước nghĩa cử cao cả đó, chỉ huy căn cứ ngỏ ý muốn gặp mặt đại diện của quân đội Việt Nam để cảm ơn. Đề xuất này được Bác Hồ xem là cơ hội rất tốt đối với cách mạng và căn dặn cần tổ chức cuộc gặp thật chu đáo. Cuộc gặp diễn ra ở một cửa hàng ăn tại Tĩnh Tây (Trung Quốc) vào ngày 27/4/1945. Theo sự chỉ đạo của Bác tại cuộc gặp hai bên đã có một “mật ước” vô cùng quan trọng: “Phía Việt Nam sẽ tăng cường lực lượng du kích, phát triển căn cứ ở các vùng trong lòng địch. Phía Mỹ sẽ cử các chuyên gia sang huấn luyện quân sự, đồng thời giúp trang bị vũ khí, điện đàm và các thứ quân trang, quân dụng”.
Với tầm nhìn xa, Bác đã gợi ý xây dựng một sân bay để vận chuyển các trang thiết bị và giữ liên lạc Việt - Mỹ qua biên giới nhằm triển khai những nội dung của “mật ước”. Bác đã trực tiếp giao cho Đại đội trưởng giải phóng quân Đàm Quang Trung chủ trì việc này. Phía Mỹ cử một thiếu tá cố vấn sang giúp về kỹ thuật xây dựng sân bay. Để vừa làm phiên dịch vừa bảo đảm an ninh, Bác cử thêm đồng chí Lê Giản là cán bộ phụ trách an ninh mật Bắc Kỳ cùng với Đàm Quang Trung khẩn trương tìm địa điểm xây dựng sân bay. Các anh đã chọn thung lũng Lũng Cò nằm giữa hai dãy núi để bảo đảm được bí mật. Sau khi trao đổi với viên thiếu tá Mỹ và báo cáo với Bác, việc xây dựng sân bay tại Lũng Cò được triển khai rất khẩn trương. Tập trung lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, cùng người dân quanh vùng bí mật cấp tập ngày đêm xây dựng sân bay dã chiến với đường băng bằng đất nện dài hơn 400m, rộng hơn 20m và được khánh thành với chuyến bay đầu tiên vào cuối tháng 7/1945. Chiếc máy bay L-5 chở 2 sỹ quan Mỹ cùng một số thuốc men, vũ khí, đạn dược hạ xuống sân bay an toàn. Sân bay đã tiếp đón nhiều chuyến bay qua lại, trong đó có chuyến bay chở tướng Claire Chennanlt Tư lệnh không đoàn số 14 người đại diện cao nhất của Mỹ ở vùng Hoa Nam thuộc Trung Hoa dân quốc gặp Lãnh tụ Hồ Chí Minh để thỏa thuận sự hợp tác chống phát xít Nhật.
Có một sân bay dã chiến ở chiến khu Việt Bắc vào giai đoạn đó của cách mạng là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong việc mở cửa thông thương với Đồng minh, góp phần bổ sung thêm trang thiết bị, vũ khí đạn dược cho quân đội, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.
Sân bay Lũng Cò là sân bay đầu tiên ở chiến khu cách mạng vào thời điểm chưa giành được chính quyền đã để lại dấu ấn về quan hệ ngoại giao, quân sự ban đầu với Hoa Kỳ. Sau này trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi chuyển về căn cứ ở Tân Trào, trước yêu cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị ta cử quân sang giúp và hợp tác với cách mạng Trung Quốc, vào đầu năm 1949 Bác Hồ chủ trương xây dựng sân bay Soi Đúng ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang với dự tính xa hơn. Sân bay Lũng Cò và sân bay Soi Đúng ở chiến khu Việt Bắc đã đi vào lịch sử không chỉ đánh dấu cho sự ra đời của không quân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn là tầm nhìn chiến lược cho việc xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, ngành hàng không hiện đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự phát triển của đất nước trước hoàn cảnh và điều kiện mới.
Kỷ niệm 132 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, ôn lại sự kiện lịch sử này càng thấy thêm tầm nhìn chiến lược về ngoại giao, về quân sự vượt thời đại của Người, sự nhìn xa trông rộng để nhận ra “bạn - thù” và ứng biến linh hoạt trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể của cách mạng, với chủ trương “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ”, trên nguyên tắc: “Độc lập dân tộc là trên hết”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và phương châm: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Điều này đã được Đảng ta vận dụng trong suốt quá trình cách mạng. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới tiếp tục kế thừa, phát triển trên nền tảng tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với thời đại hội nhập quốc tế. Tất cả vì lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định với thế và lực mới trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình và xu thế của thời đại. Tạo lập và thúc đẩy những điều kiện phù hợp, thuận lợi nhất cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với khát vọng hùng cường, thịnh vượng, đưa đất nước “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Đặng Duy Báu
Ý kiến bạn đọc