Khắc sâu trong tim lời Bác Hồ dạy năm xưa - Kỳ 2: Những lời dạy của Hồ Chủ tịch về công tác cán bộ ở Hà Giang
BHG - Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn khẳng định, “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Người nhấn mạnh, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì thế, trong những năm tháng hoạt động cách mạng, lãnh đạo đất nước, về với các địa phương, các bộ, ngành, Người luôn nhắc đến công tác cán bộ, công tác lãnh đạo. Chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Giang tháng 3.1961 là chuyến thăm đầu tiên và duy nhất của Người đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Nhưng, trong lần lên thăm duy nhất ấy, Người đã để lại những lời căn dặn hết sức quý báu, trong đó có những lời dạy liên quan đến công tác cán bộ, lãnh đạo ở Hà Giang.
Thiếu nhi Hà Giang tặng Bác Hồ bó hoa trong buổi mít tinh trọng thể chào mừng Hồ Chủ tịch tại sân vận động thị xã Hà Giang, sáng 27.3.1961 |
Trong nhiều hành trình tham gia công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh và các ngành, các địa phương trong tỉnh, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều nhân chứng lịch sử, nhiều tư liệu ghi lại chuyến thăm của Hồ Chủ tịch lên Hà Giang. Đó là những ký ức không quên đối với nhiều người dân nơi Cực Bắc Tổ quốc. Bên cạnh 8 lời dạy quý báu của Người với Đảng bộ, nhân dân, có một điều mà chúng tôi thấy được thể hiện rõ trong các tư liệu, bài nói chuyện chính thức cũng như những cuộc nói chuyện bên lề các sự kiện Bác ở Hà Giang, đó là Người luôn quan tâm, nhắc đến công tác cán bộ và công tác lãnh đạo ở Hà Giang.
Trong 2 bài nói chuyện của Người với đại biểu về dự Đại hội Đảng bộ và Đại hội sản xuất của tỉnh (ngày 26.3), bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ Hà Giang (ngày 27.3), đều có nhắc đến công tác cán bộ. Đây là điều dễ hiểu, bởi Hà Giang khi đó còn là địa bàn đặc biệt khó khăn. Theo thống kê thời điểm Bác lên thăm, toàn Đảng bộ tỉnh chỉ có 2.000 đảng viên, trong số đó có tới 10% đảng viên còn mù chữ, hệ thống cán bộ cơ sở còn rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, Người phê bình “đây là một khuyết điểm, Bác giao cho tỉnh có kế hoạch cho các chi bộ, các địa phương làm sao trong năm Bác lên thăm, những đồng chí chưa biết chữ phải học để biết đọc, biết viết”.
Là địa phương có nhiều dân tộc cùng chung sống, địa bàn rộng, còn nhiều khó khăn, hạn chế trong phát triển mọi mặt đời sống. Bởi thế, trong buổi nói chuyện với cán bộ, đảng viên của tỉnh ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, Bác Hồ đã dành hẳn một nội dung khá dài để trao đổi về công tác cán bộ. Người dạy: “Cán bộ lãnh đạo trước hết phải đoàn kết nội bộ, chống kéo bè, kéo cánh, chống phân tán, tức là phải làm đúng nguyên tắc, lãnh đạo phải tập thể”. Người nhấn mạnh: “Lãnh đạo tập thể là phải bàn bạc chung, phân công ai phụ trách việc gì phải cho rành rọt”.
Đoàn văn công Hà Giang biểu diễn chào mừng Bác Hồ và đoàn công tác T.Ư lên thăm Hà Giang |
Nhớ lại lần được gặp Bác Hồ trong vai trò là một diễn viên của Đoàn văn công Hà Giang, bà Hoàng Thị Tước, ở tổ 11, phường Trần Phú, Tp. Hà Giang, xúc động, cho biết: Vinh dự cho tôi và một số anh chị em trong Đoàn văn công tỉnh là được tham gia đón, được biểu diễn văn nghệ phục vụ Bác và đoàn công tác T.Ư. Nhưng đặc biệt nhất, khi biểu diễn văn nghệ xong, chúng tôi đến tặng hoa cho Bác, Bác có căn dặn với chúng tôi “các cháu phải nỗ lực học tập, đặc biệt là phải đoàn kết”. Những lời dạy của Bác chúng tôi nhớ suốt đời và giờ vẫn thường nhắc nhở để con cháu mình học tập.
Trong một bài viết hồi tưởng đăng trên Báo Hà Giang, kể về thời điểm khi là học sinh Trường Thanh niên Dân tộc tỉnh, được vinh dự đến dự mít tinh và nghe Bác nói chuyện sáng 27.3 tại sân vận động thị xã, bác Triệu Đức Thanh, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh nhớ lại, kết thúc buổi nói chuyên, Bác bảo “Bây giờ đồng bào cùng tôi hát bài kết đoàn”. Rồi sau đó Bác bắt nhịp, mọi người dự cuộc mít tinh hát theo Bác. Bác Thanh viết: Sau lần gặp Bác, trở về trường, mỗi học sinh chúng tôi được viết bài văn tường thuật kèm theo lời hứa thực hiện lời Bác. Được nhìn thấy và nghe Bác nói, như có một luồng sức mạnh thổi vào người, tự nhiên tôi nghĩ được về đây học phải vượt qua đói và rét để học cho hết chương trình. Có lẽ nhờ những nghị lực vươn lên, cùng những lời căn dặn của Hồ Chủ tịch, đã thôi thúc những học sinh như bác Triệu Đức Thanh và nhiều cán bộ, đảng viên không ngừng rèn luyện, vươn lên, trở thành những người cán bộ để lại nhiều dấu ấn, cống hiến trong quá trình lãnh đạo tỉnh nhà vươn lên.
Bà Hoàng Thị Tước kể lại cho các cháu thiếu nhi về lần đầu bà được gặp Bác Hồ
Trong điều kiện thực tế khó khăn không chỉ riêng của Hà Giang mà cả đất nước lúc đó, với những quan điểm, sự nhìn nhận sát thực tế, từ đó trong buổi nói chuyện với cán bộ, đảng viên Hà Giang trong tối 26.3.1961, Người dặn: “Cán bộ phải tuyên truyền, giải thích, giúp đỡ đồng bào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để nâng cao và cải thiện đời sống cho nhân dân. Cán bộ lãnh đạo phải đi sâu đi sát với nhân dân. Nếu không đi sâu đi sát thì không biết nhân dân cần cái gì mà giúp đỡ, nhân dân muốn cái gì, không muốn cái gì”. Và đặc biệt, Người nhấn mạnh: “Việc lãnh đạo phải thiết thực chứ không phải chung chung”.
Nghiên cứu những nội dung nói chuyện của Người tại Hà Giang về công tác cán bộ, có thể thấy dù thời gian ở Hà Giang không lâu, nhưng Người đã có thể nắm bắt, tìm hiểu rất rõ tình hình Hà Giang khi đó. Thấy được rất nhiều những thành tựu, tinh thần của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang. Nhưng đồng thời, Người cũng nhìn nhận thấy những hạn chế trong sản xuất, đời sống, điều này là bởi đặc thù của vùng đất, đặc thù của địa phương trước và sau Cách mạng tháng 8.1945 ở Hà Giang và tình hình ngay tại thời điểm Bác lên thăm. Vì thế, liên hệ đến công tác cán bộ lãnh đạo, Người dạy cán bộ, đảng viên Hà Giang: “Lãnh đạo phải toàn diện”. Khi đó Bác đã nhắc nhở như thế này: “Thế nào là toàn diện, ví dụ thế này: Hiện bây giờ ở đây (ở Hà Giang) kém toàn diện, ngô, khoai, sắn rất kém, chỉ chú ý thóc. Nói sản xuất là nói lãnh đạo cả cây lương thực, cây công nghiệp, hoa màu, chăn nuôi… Cái gì cũng phải lãnh đạo tốt, thiết thực thì mới gọi là toàn diện”.
Có thể nhận thấy, mỗi nội dung nói chuyện của Người ở Hà Giang cũng như ở nhiều địa phương khác, Người căn dặn những điều cơ bản và đều có gắn với những liên hệ, ví dụ rất cụ thể. Vì thế, khi căn dặn cán bộ, đảng viên Hà Giang, Người nói: “Muốn cho mỗi ngày mỗi đổi mới, thì cán bộ lãnh đạo phải học văn hóa, phải học lý luận, nghiệp vụ”. Người đưa ra ví dụ cụ thể: “Muốn biết dùng phân cấy lúa như thế nào, phải học thêm văn hóa. Ví dụ một hợp tác xã có 100 hộ thì phải phân phối công tác ai làm cái gì. Phải phân phối kiểm tra công tác như thế nào. Công việc ngày càng tiến lên thì hiểu biết của mình cũng phải tiến lên. Muốn vậy thì phải học văn hóa”.
Người nhắc cán bộ ở Hà Giang: “Cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải đoàn kết chặt chẽ, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, đặt lợi ích chung của nhân dân lên trên lợi ích riêng của mình; phải làm gương mẫu trong đoàn kết dân tộc, trong học tập và trong lao động sản xuất; phải chống quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô”. Bác cũng nhấn mạnh: “Tất cả cán bộ từ trên như Bác đây xuống đến dưới, từ Trung ương đến khu, tỉnh, huyện, xã, các đảng viên, đoàn viên phải đi đúng chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, chứ không phải nửa lòng, nửa dạ thì không được”.
Trong gần 2 ngày ở Hà Giang, ngoài 8 lời dạy của Hồ Chủ tịch với nhân dân Hà Giang, còn có thêm 4 lời dạy người dành riêng đối với cán bộ, đảng viên Hà Giang được người nêu rõ trong buổi tối ngày 26.3.1961, khi nói chuyện trước các đại biểu về dự Đại hội Đảng bộ và Đại hội Thi đua sản xuất tỉnh Hà Giang. Những lời dạy quý báu đó đã được lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên Hà Giang ghi sâu, học tập, để rèn bản lĩnh và trưởng thành trên miền đất khó.
Thực hiện lời dạy của Người, cụ thể trong thực tế 60 năm qua ở một địa phương đặc biệt khó khăn của cả nước, các thế hệ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở ở Hà Giang đã rất nỗ lực, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm. Nhờ đó, Hà Giang qua các thời kỳ với tinh thần phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, của người đứng đầu trong lãnh đạo thiết thực, cụ thể, của tinh thần tập thể, đoàn kết, chúng ta đã có được nhiều công trình, thành quả là kết quả của sự huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự hy sinh xương máu, như thành quả mở đường giao thông, dân sinh; thành tựu trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc; việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu xây đời sống mới; nỗ lực trong lãnh đạo thực hiện xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh; các Chương trình huy động nguồn lực xã hội để giúp nhân dân có “mái nhà, bể nước, con bò, phản nằm”; huy động các nguồn lực để xây dựng các “hồ treo” giải khát cho đồng bào vùng cao phía Bắc, phía Tây của tỉnh; xây dựng thành công thương hiệu của tỉnh gắn với Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của cả nước; đặc biệt là hiện nay Đảng bộ tỉnh đang lãnh đạo, huy động được sức mạnh xã hội, sức mạnh của toàn tỉnh cho Chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở… Tất cả đều khẳng định một ý chí vượt lên gian khó, sáng tạo, thực hiện tốt lời dạy của Hồ Chủ tịch với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang.
Bốn lời Bác Hồ dạy cán bộ, đảng viên Hà Giang Một là: Phải đoàn kết dân tộc và cán bộ phải tuyên truyền giải thích cho tất cả đồng bào hiểu tinh thần làm chủ nước nhà. Khi trước chúng ta làm nô lệ cho Tây, Nhật, vua quan địa chủ. Bây giờ ta làm chủ, các cô, các chú, các cháu đây làm chủ nước nhà. Nhưng không phải ai cũng hiểu tinh thần làm chủ đâu. Vì vậy cần phải tuyên truyền, giải thích cho ai cũng hiểu tinh thần làm chủ nước nhà và đoàn kết dân tộc. Hai là: Củng cố tốt và phát triển tốt chi bộ Đảng và chi đoàn thanh niên lao động. Ba là: Hết sức xem trọng việc tăng gia sản xuất với thực hành tiết kiệm để nâng cao đời sống của nhân dân, đồng thời do đó mà giữ gìn trật tự trị an trong tỉnh được tốt hơn. Bốn là: Các cô các chú là cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đều là cán bộ lãnh đạo. Nói về lãnh đạo phải thiết thực, phải toàn diện, đồng thời phải bồi dưỡng giúp đỡ cán bộ địa phương. Đó là điểm quan trọng. |
Ý kiến bạn đọc