Những “chiến sĩ” ưu tú trên mặt trận tư tưởng của Đảng
BHG - Một ai đó từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Và tại Hội thi Giảng viên lý luận chính trị (LLCT) giỏi cấp tỉnh năm 2022, 13 giảng viên chuyên trách đến từ Trung tâm Chính trị (TTCT) 11 huyện, thành ủy đã tạo nên không khí sinh hoạt chuyên môn sôi nổi, hào hứng, bổ ích, thiết thực, ghi dấu ấn tốt đẹp với Ban giám khảo (BGK) và học viên.
Các thí sinh trao đổi nghiệp vụ bên lề hội thi. |
Nếu như những hội thi trước có sự tham gia của giảng viên kiêm nhiệm thì năm nay chỉ có giảng viên chuyên trách của TTCT 11 Huyện, Thành ủy dự thi. Đây đều là những giảng viên có kỹ năng, chuyên môn giỏi, lực lượng nòng cốt trong giảng dạy LLCT ở cơ sở. Đặc biệt, trong tổng số 13 thí sinh dự thi, có 4 giảng viên chuyên trách hiện đang giữ chức vụ Phó Giám đốc TTCT các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Xín Mần và thành phố Hà Giang. Trước thời điểm diễn ra hội thi 1 tuần, BGK đã tiến hành chấm điểm phần thi soạn giáo án; trong đó, 1 giáo án đạt điểm 9, 12 giáo án đạt từ 8 đến cận 9 điểm. Những giáo án này đều được chuẩn bị công phu, hình thức trình bày rõ ràng, bảo đảm theo đúng quy định; bố cục chặt chẽ, cân đối, phân bổ thời gian các phần tương đối hợp lý. Đồng thời, xác định được nội dung trọng tâm, trọng điểm, mục đích, yêu cầu của bài giảng, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với đối tượng, mục đích, yêu cầu đề ra.
Các thí sinh xuất sắc giành giải thưởng tại Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh năm 2022. |
Trên cơ sở phần thi soạn giáo án, trong 2 ngày 26 và 27.4, nơi giảng đường Trường Chính trị tỉnh, 13 thí sinh đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm chuyên môn, tài năng sư phạm của mình trong phần thi giảng trực tiếp. Trong đó, 6 giảng viên lựa chọn nội dung thi trong chương trình học tập LLCT dành cho học viên lớp đối tượng kết nạp Đảng; 5 giảng viên lựa nội dung bồi dưỡng LLCT dành cho đảng viên mới; 2 giảng viên chọn giảng chuyên đề Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Theo đánh giá của BGK, đa số giảng viên đều chú trọng gắn lý luận với thực tiễn, sử dụng và kết hợp tốt các phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc trưng bộ môn. Nội dung bài giảng có sự đầu tư nghiên cứu tài liệu, có kiến thức thực tế và kịp thời cập nhật thông tin mới, bổ sung các quan điểm Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào nội dung bài giảng. Một số giảng viên còn sử dụng hình ảnh, video clip để làm sáng tỏ nội dung bài giảng. Không những vậy, các giảng viên đều có sự kết hợp giữa bảng viết, giáo án điện tử, bài giảng trình chiếu (powerpoint) để làm sinh động và sâu sắc hơn cho bài giảng. Từ những thí sinh cao tuổi nhất, có bề dày kinh nghiệm giảng dạy LLCT như đồng chí Sin Văn Kin (sinh năm 1966), giảng viên TTCT huyện Hoàng Su Phì; Vũ Thị Thúy Nga (sinh năm 1969), Phó Giám đốc TTCT huyện Xín Mần đến những giảng viên trẻ tuổi nhất hội thi như Nguyễn Tố Như (1993), giảng viên TTCT huyện Quản Bạ; Hoàng Thị Bích Ngọc (1991), giảng viên TTCT huyện Bắc Quang... đều để lại ấn tượng sâu sắc với BGK và học viên. Bởi họ không chỉ có phong cách chững chạc, tự tin mà còn chuyển tải nội dung bài giảng một cách sinh động, súc tích, lôgíc, chặt chẽ, dễ hiểu, gắn lý luận với thực tiễn, phát huy được tính tích cực, chủ động của người học, tạo không khí sôi nổi, cuốn hút trong từng tiết giảng. Ngay sau phần thi giảng trực tiếp, đa phần thí sinh đều thể hiện được sự bình tĩnh, tự tin, trả lời đúng, đủ nội dung câu hỏi do BGK đặt ra; khẳng định độ nhuần nhuyễn của giảng viên đối với bài giảng. Trong đó, 1 giảng viên xuất sắc giành điểm 9, 6 giảng viên đạt từ 8 đến cận 9 điểm, 6 giảng viên đạt điểm dưới 8.
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, Ban Tổ chức lựa chọn 10 thí sinh có kết quả tốt nhất hội thi để trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích. Trong đó, thí sinh Vũ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc TTCT huyện Xín Mần xuất sắc giành giải Nhất, trở thành đại diện duy nhất của tỉnh tham gia hội thi cấp khu vực trong thời gian tới. Chị Vũ Thị Thúy Nga chia sẻ: “Với vai trò vừa là giảng viên LLCT, vừa là cán bộ quản lý, tôi và nhiều đồng nghiệp khác đã phát huy cao nhất khả năng, kinh nghiệm chuyên môn, tài năng sư phạm của mình để hoàn thành tốt nội dung các phần thi. Theo tôi, việc chuẩn bị giáo án chặt chẽ, khoa học, phù hợp có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả giờ giảng. Còn phương tiện dạy học đóng vai trò quan trọng đối với thành công của mỗi bài giảng. Điều này đòi hỏi giảng viên phải có sự đầu tư, chuẩn bị hình ảnh, video clip phù hợp để giúp bài giảng trở nên sinh động, cuốn hút học viên”... Đặc biệt, tại hội thi này, 2 thí sinh trẻ tuổi nhất là Nguyễn Tố Như và Hoàng Thị Bích Ngọc đều giành giải Nhì. Với tài năng sư phạm, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ không chỉ để lại ấn tượng sâu sắc với học viên qua từng bài giảng mà còn được kỳ vọng là những “viên gạch hồng” xây dựng TTCT cấp huyện đạt chuẩn, thúc đẩy phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tại TTCT cấp huyện...
Thực tế cho thấy, đội ngũ giảng viên LLCT vừa là nhà giáo dục, nhà khoa học, vừa là nhà chính trị, tuyên truyền, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo cũng như trong công tác tư tưởng của Đảng. Do đó, Hội thi Giảng viên LLCT giỏi cấp tỉnh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức định kỳ 2 năm/lần có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp để các giảng viên giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng giảng dạy LLCT. Đồng thời, là cơ sở để TTCT các huyện, thành phố tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giảng viên chuyên trách; đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập LLCT theo quy định của Ban Tuyên giáo T.Ư...
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc