Xây dựng và chỉnh đốn Đảng để Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”
BHG - Kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng (1930 – 2022), dân tộc ta tự hào với Đảng quang vinh, Đảng đại biểu cho dân tộc, chiến đấu vì lợi ích của nhân dân, được toàn dân Việt Nam tôn vinh là Đảng ta. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng đã không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu. Với tư duy khoa học, bản lĩnh vững vàng, nghị lực và sự hy sinh cao cả, đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân và đất nước. Từ khi có Đảng dân tộc ta có người lãnh đạo đúng đắn, với sự nêu gương hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; với mối liên hệ máu thịt từ dân mà ra, được dân tin yêu ủng hộ và bảo vệ; với một tổ chức đoàn kết, thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển nên đã lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, lập nên những kỳ tích, có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” như ngày nay.
Trong hoàn cảnh và điều kiện mới cần phát huy hơn nữa truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; gắn bó mật thiết với nhân dân để đủ sức lãnh đạo đất nước tiếp tục phát triển trên con đường đổi mới.
Đoàn Chủ tịch tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960). Ảnh: T.L. |
Về yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đại hội XIII đã đề ra 10 giải pháp cơ bản đồng bộ, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XII) với trọng tâm là ngăn chặn đây lùi, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm minh sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống; những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hội nghị TW4 (khóa XIII) đã xác định rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cũng như những biểu hiện tiêu cực sát hợp với tình hình mới. Đó là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng; mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin về con đường CNXH; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, thậm chí còn phụ họa thêm những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt Đảng cũng như bổn phận chức trách được giao. Đặc biệt nhấn mạnh những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống như: Ích kỷ, vụ lợi, thực dụng, cơ hội, hám danh, tiêu cực, tham nhũng; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, vô cảm, xa dân… Sự suy thoái đó là hết sức nguy hiểm vì “chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường” dẫn đến cơ hội chính trị, cấu kết với các thế lực xấu phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng trước hết là từ chủ nghĩa cá nhân; việc buông lỏng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; những bất cập nhưng chưa được nghiên cứu bổ sung kịp thời trong việc ban hành cơ chế chính sách, pháp luật để thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; việc quản lý đảng viên còn lỏng lẻo; đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ chưa đảm bảo thực chất, còn để một bộ phận chạy chức, chạy quyền; chưa coi trọng đúng mức và có giải pháp thật phù hợp trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm; chưa coi trọng vai trò của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác xây dựng Đảng.
Trước tình hình đó, Hội nghị TW4 (khóa XIII) tiếp tục đề ra nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới trên cơ sở tiếp tục thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mới. Đó là, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu trong Đảng và hệ thống chính trị đủ phẩm chất năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, “ích kỷ vụ lợi”, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đấu tranh mạnh mẽ với những việc làm sai trái, những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, những điều đảng viên không được làm. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là quy trình ra nghị quyết, quy trình cán bộ. Gắn công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý cán bộ đảng viên với việc kiểm tra giám sát, coi trọng vai trò giám sát của nhân dân, của công luận. Từng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải tự giác nêu gương, nghiêm túc thực thi chức trách của mình trong thi hành nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân, đặc biệt là nói phải đi đôi với làm, phải sống mẫu mực, liêm sỉ.
Hội nghị TW4 (khóa XIII) đã bổ sung, hoàn thiện Quy định 47-QĐ/TW ngày 1.11.2011 (khóa XI) về những điều đảng viên không được làm, coi đây là cơ sở quan trọng để đảng viên tự biết, tự phòng tránh, là căn cứ để xem xét xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên. Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ra ngày 25.10.2021 bổ sung thêm một số nội dung quan trọng như: Phủ nhận xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ nghĩa cá nhân, vụ lợi; tư duy nhiệm kỳ; đoàn kết xuôi chiều thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng; sử dụng chứng chỉ, văn bằng không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản, mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định; can thiệp vào quá trình kiểm tra, thanh tra, xét xử; bao che, tiếp tay cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng; vi phạm, các quy định của Đảng và Nhà nước; tác động, ép buộc, mua chuộc vì vụ lợi hoặc giảm nhẹ trách nhiệm, sai phạm, hình phạt cho người khác…
Việc ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, trách nhiệm giữ gìn cũng như nêu gương của cán bộ, đảng viên; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, “nâng cao đạo đức cách mạng, quyét sạch chủ nghĩa cá nhân” trong toàn Đảng. Xây dựng Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân và đảm đương trọng trách cao cả đưa đất nước phát triển theo con đường Đảng và Bác Hồ đã chọn.
TS. Đặng Duy Báu
Ý kiến bạn đọc