Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông
BHG - Chiều 10.1, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025. Tham dự tại điểm cầu Hà Giang có Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang thảo luận tại phiên họp. |
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về hồ sơ dự án; sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch có liên quan và phạm vi, quy mô của dự án; về sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; về hình thức đầu tư, tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư…
Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2021 - 2025, bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%); giai đoạn 2026 - 2030 bố trí khoảng 27.324 tỷ đồng (chiếm 18,6%). Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc phân chia 12 dự án thành phần có nhiều điểm chưa rõ. Theo đó, Chính phủ cần giải trình kỹ hơn về việc tại sao lại chia thành 12 dự án thành phần, trong đó có dự án thành phần rất ngắn, 36km đó là đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, nhưng lại có dự án thành phần rất dài 88km như đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.
Để triển khai dự án đúng tiến độ, các đại biểu cho rằng phải giải quyết ổn định đời sống, môi trường làm việc gắn với đảm bảo có đủ cơ sở vật chất về y tế và giáo dục cho người dân trong khu vực giải tỏa đến nơi ở mới. Song song với đó, Chính phủ cần có báo cáo về số kinh phí cụ thể chi cho từng hạng mục, công việc cụ thể nhằm tránh đội vốn ngân sách và Quốc hội cần có sự giám sát chặt chẽ đối với các dự án thành phần một cách thường xuyên, đột xuất để xây dựng đường cao tốc đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng đề ra. Một số ý kiến đề nghị cần có chính sách áp dụng các công nghệ mới, vật liệu mới có giá thành hợp lý để cung cấp cho dự án. Đồng thời các đơn vị chức năng cần làm tốt công tác kiểm toán, giám sát, thanh tra, kiểm tra đảm bảo Dự án khi triển khai đúng yêu cầu, đúng thiết kế, tránh thất thoát, lãng phí.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đề nghị cần xem xét quy hoạch tổng thể, đồng bộ, đảm bảo được tính lâu dài, bền vững của dự án. Đây là một tuyến đường chiến lược của đất nước, do vậy cần áp dụng cơ chế đặc thù như chỉ định thầu từ thiết kế, giải phóng mặt bằng, thi công. Đối với việc chuyển đổi rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà phải trình qua Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu cho rằng cách làm như vậy sẽ bị chậm. Do đó, đề nghị phân cấp cho địa phương, đường cao tốc đi qua địa phương nào thì địa phương đó chuyển đổi. Bên cạnh đó, cần có phương án thu phí, đấu thầu thu phí và chuyển quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước, tiếp tục dùng kinh phí thu được để đầu tư các tuyến giao thông khác…
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG