Quốc hội thảo luận trực tuyến về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH
BHG - Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 7.1, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Tham dự phiên thảo luận tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV Lý Thị Lan; lãnh đạo một số sở, ngành cùng các đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang.
Đoàn ĐBQH tỉnh ta tham gia phiên thảo luận trực tuyến. |
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu thống nhất cao sự cần thiết và phù hợp với thực tiễn khi triển khai thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Các giải pháp được đưa vào dự thảo Nghị quyết khá tổng thể, toàn diện, đầy đủ từ quan điểm, mục tiêu, giải pháp, phương án huy động nguồn lực, thí điểm cơ chế đặc thù, tổ chức thực hiện và giám sát. Về cách thức triển khai thực hiện, các đại biểu đề nghị Chính phủ khi tiến hành triển khai cần chủ động, linh hoạt tính toán cả về quy mô và thời gian thực hiện, đảm bảo tính nhanh, gọn, đơn giản, hiệu quả cao, áp dụng tùy theo diễn biến dịch bệnh và tốc độ phục hồi của nền kinh tế.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang và Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV Lý Thị Lan chủ trì tại điểm cầu tỉnh. |
Một số đại biểu kiến nghị Chính phủ cần xác định nhu cầu từ doanh nghiệp, người dân, việc làm, lao động để đưa ra khung chính sách cho phù hợp hơn. Cần đánh giá tác động thêm về lạm phát và cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa giải pháp “tài khóa” với giải pháp “tiền tệ”. Đối với giải pháp tài khóa quy định tại Khoản 1, Điều 3, các đại biểu nhận định, còn có nhiều điểm chưa hợp lý khi quy định mức giảm thuế giá trị gia tăng (Điểm a, Khoản 1 của Điều 3), đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi và tăng mức giảm, đặc biệt giảm thuế giá trị gia tăng mạnh hơn cho ngành dịch vụ, mặt hàng thiết yếu. Một số ý kiến cho rằng, chính sách tài khóa cần xác định rõ đối tượng được ưu tiên vào thời điểm nhất định; ở giai đoạn hiện tại, cần tập trung cho y tế và phát triển kết cấu hạ tầng.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan thảo luận tại phiên họp. |
Tham gia thảo luận tại phiên họp, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đồng tình với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của chương trình, đặc biệt là nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Chương trình đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên trọng tâm vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, nhất là các tuyến đường cao tốc miền núi phía Bắc như tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai kết nối Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang. Tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang cam kết sẽ phối hợp thực hiện tốt việc chuẩn bị hồ sơ, tham gia giải phóng mặt bằng nhanh, huy động nguồn kinh phí của địa phương để đảm bảo thời gian thực hiện dự án đúng tiến độ.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cũng đề nghị tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2023. Khi dự thảo Nghị quyết được Quốc hội thông qua đề nghị Chính phủ sớm triển khai chương trình, nguồn lực được huy động cần bố trí ngay, đồng thời có tổng kết đánh giá Chương trình để tiếp tục nghiên cứu các chính sách tổng thể, hiệu quả thực hiện các gói kích cầu, hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo.
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG