Ngành Công thương tổng kết công tác năm 2021
BHG - Sáng 9.1, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu T.Ư có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; các cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ Công thương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh và một số sở, ngành, đơn vị liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang. |
Năm 2021, Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm khôi phục chuỗi cung ứng, kết nối giao thương hàng hóa; đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước. Chỉ số sản xuất năm 2021 của một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với năm trước như: Sản xuất kim loại tăng 22,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 10,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,6%; dệt tăng 8,3%. Đặc biệt, hoạt động xuất, nhập khẩu có sự tăng trưởng ngoạn mục, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về kết quả đạt được và những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công thương. Trong đó, chỉ rõ một số hạn chế như: Hoạt động sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 lây lan, xâm nhập vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của ngành. Chi phí sản xuất tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển, logistics tăng và phát sinh thêm chi phí phòng, chống dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất, giảm đơn hàng, thiếu hụt lao động, doanh thu giảm mạnh. Một số địa phương không duy trì được tăng trưởng công nghiệp như: Thành phố Hồ Chí Minh (giảm 14,3%), Cần Thơ (giảm 10,1%), Trà Vinh (giảm 9,5%)…
Biểu dương những kết quả ngành Công thương đạt được trong năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị năm 2022, toàn toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển KT-XH. Thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực; tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu; đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường; thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh khai thác, phát triển thị trường nội địa và phát triển thương hiệu Việt; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế…
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG