Trực tuyến toàn quốc tập huấn thực hiện báo cáo điện tử
BHG - Chiều 3.12, tại Hà Nội, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn thực hiện báo cáo điện tử trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Đồng chí Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành của tỉnh…
Các đại biểu dự hội nghị tập huấn tại điểm cầu tỉnh Hà Giang. |
Sau khi có Nghị định số 09 của Chính phủ (tháng 1.2019) quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước, thực hiện báo cáo trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông tư số 01/2020/TT-VPCP quy định 6 chế độ báo cáo liên quan đến: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; công tác kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; tổ chức các cuộc họp; kết quả gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; kết quả chuẩn hóa, điện tử hóa chế độ báo cáo; tình hình tổ chức thực hiện các các quy định của pháp luật về công báo.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết: Trục liên thông văn bản quốc gia (khai trương tháng 3.2019) gắn với gửi, nhận văn bản điện tử là bước đi đầu tiên trong chuyển đổi số đối với khối cơ quan hành chính, giúp giảm giấy tờ, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước. Đến nay, có hơn 8 triệu văn bản gửi, nhận có ứng dụng chữ ký số trên Trục liên thông văn bản quốc gia; trong đó, năm 2021, có 4 triệu văn bản điện tử, tăng 1,5 lần so với năm 2020, gấp 4 lần so với năm 2019. Đặc biệt, 15/63 địa phương tích cực xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, thực hiện đủ 3 kỳ báo cáo quý trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ năm 2021 và triển khai thực hiện từ cấp xã, như: Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Tiền Giang…; 31/63 địa phương chỉ thực hiện được 1 kỳ báo cáo; 17/63 địa phương chưa thực hiện chế độ báo cáo điện tử…
Tại hội nghị, đại diện Cục Kiểm soát TTHC và Công ty Công nghệ thông tin VNPT thông tin đến đại biểu các chế độ báo cáo theo Thông tư số 01/2020/TT-VPCP, quy trình báo cáo, các loại biểu mẫu; cách thức phân quyền, tạo tài khoản cho cán bộ, công chức trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; hướng dẫn tích hợp các biểu số liệu báo cáo với Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG), Cổng dịch vụ công của các bộ, cơ quan, địa phương và thống kê kết quả thực hiện báo cáo, hiển thị cơ sở dữ liệu các chỉ tiêu, dữ liệu báo cáo…
Thông qua tập huấn, giúp các địa phương triển khai công tác báo cáo trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đúng thời gian, nội dung theo quy định và kết nối hệ thống thông tin báo cáo với Cổng DVCQG. Phấn đấu đến năm 2022, 100% các bộ, ngành, địa phương thực hiện báo cáo điện tử thay giấy tờ…
Tin, ảnh: THU PHƯƠNG