Quy chế dân chủ ở cơ sở - mục tiêu, động lực phát triển
BHG - Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCCS) từng bước đi vào chiều sâu, có nhiều đổi mới, sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương, cơ quan, đơn vị; các nội dung liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện theo phương châm “Lấy dân làm gốc”… Những nội dung then chốt này được triển khai đồng bộ đã đưa việc thực hiện QCDCCS thực sự trở thành mục tiêu, động lực phát triển bền vững.
Thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, năm 2021, các cấp, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả những nội dung cần phải công khai cho nhân dân biết bằng nhiều hình thức phong phú, như: Tiếp xúc cử tri, truyền thanh cơ sở, niêm yết văn bản tại trụ sở, các điểm sinh hoạt của cộng đồng ở từng khu dân cư… Qua đó, tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận và nắm bắt thông tin, phản ánh những băn khoăn, thắc mắc trong việc triển khai thực hiện của chính quyền cơ sở. Không những vậy, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, MTTQ các cấp tổ chức 153 hội nghị lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và các đề án, kế hoạch của chính quyền cùng cấp.
Nhân dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) gói bánh chưng Gù, san sẻ khó khăn với đồng bào miền Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. |
Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động nắm bắt, tiếp thu, giải quyết trên 4,6 nghìn ý kiến, kiến nghị liên quan đến: Tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách… thông qua 761 cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Sau đối thoại, cơ quan hữu quan có thông báo gửi tới công dân, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng nền dân chủ thực chất trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Giang, Bùi Huy Hoàng cho biết: Năm 2021, thành phố tiếp tục thực hiện một số mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện QCDCCS, như: Tổ chức 26 “Diễn đàn chiều thứ 6 nghe dân nói”, 83 cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; duy trì gặp mặt thường xuyên với các đồng chí Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố. Qua đó, trực tiếp nắm bắt, trao đổi thông tin phục vụ công tác lãnh, chỉ đạo, kịp thời xử lý những kiến nghị, đề nghị, bức xúc ngay tại cơ sở; góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, tạo sức mạnh đại đoàn kết thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Để hạn chế tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà và giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cấp ủy, chính quyền tỉnh quyết liệt chỉ đạo việc đẩy mạnh cải cách TTHC, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn, cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số dịch vụ công cung cấp đạt 100%. Mặt khác, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong từng ngành, từng lĩnh vực, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện 101 cuộc thanh tra hành chính tại 203 đơn vị, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền hơn 10 tỷ đồng…
Thực hiện QCDCCS với quan điểm xuyên suốt “Lấy dân làm gốc” đã khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết trong nhân dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Nổi bật trong đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động nắm tình hình, vận động nguồn lực tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 19,2 tỷ đồng và nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa, nhu yếu phẩm trị giá trên 11 tỷ đồng. Không những vậy, với tinh thần tương thân tương ái, nhân dân tỉnh Hà Giang còn thực hiện 3 đợt hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai với tổng giá trị hàng tỷ đồng...
Cùng với kết quả trên, việc thực hiện QCDCCS gắn với chương trình xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh được các địa phương thực hiện có hiệu quả. Nhân dân tích cực tham gia đóng góp hơn 166 nghìn ngày công lao động, hiến gần 278 nghìn m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi. Đồng thời, xây dựng 1.970 nhà tắm, 1.133 bể nước hợp vệ sinh, di dời 799 chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà, thực hiện nếp sống văn minh. Hơn nữa, phong trào xây dựng thôn văn hóa, cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa được phát triển sâu rộng. Đến nay, tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa ước đạt 71%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố được công nhận tiêu chí văn hóa đạt 63,2%.
Việc thực hiện QCDCCS đã trở thành tiêu chí để đánh giá tổ chức Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh hàng năm. Đây cũng là tiền đề quan trọng để phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Qua đó, đưa việc thực hiện QCDCCS thực sự trở thành mục tiêu, động lực phát triển”.
Bài, ảnh: Thu Phương