Hội thảo khoa học: Hà Giang 130 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh và 60 năm thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn
BHG - Sáng 4.12, tại hội trường BCH Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh phối hợp với Hội đồng Lý luận T.Ư tổ chức Hội thảo khoa học "Hà Giang 130 năm thành lập tỉnh (20.8.1891 – 20.8.2021), 30 năm tái lập tỉnh (1.10.1991 – 1.10.2021) và 60 năm thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang (26.3.1961 – 26.3.2021)". Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, gồm điểm cầu Hội đồng Lý luận T.Ư; điểm cầu tại Tỉnh ủy và điểm cầu các huyện, thành phố. Các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội thảo tại điểm cầu của tỉnh.
Dự hội thảo tại điểm cầu T.Ư có lãnh đạo đại diện Hội đồng Lý Luận T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đại diện một số ban, bộ, ngành, T.Ư. Dự hội thảo tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Dự tại điểm cầu các huyện, thành phố có Thường trực Huyện ủy, Thành ủy và Thường trực HĐND – UBND các huyện, thành phố.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì hội thảo tại điểm cầu tỉnh. |
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh khái quát lại quá trình thành lập tỉnh, tái lập tỉnh, những lời căn dặn của Bác Hồ khi người lên thăm tỉnh Hà Giang vào ngày 26.3.1961. Trong suốt tiến trình lịch sử từ khi thành lập, tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh ta luôn phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ một tỉnh nghèo nhất nước, đến nay diện mạo của Hà Giang đã hoàn toàn đổi khác, KT-XH phát triển, kết cấu hạ tầng được quan tâm, chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc ngày càng nâng cao.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu báo cáo đề dẫn hội thảo. Ảnh: Xuân Phúc |
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Hội thảo khoa học là dịp để các đại biểu trao đổi, đánh giá những tiềm năng, thế mạnh, thành tựu trên các chặng đường bảo vệ Tổ quốc, phát triển KT-XH của Hà Giang trong tiến trình 130 năm hình thành và phát triển. Đồng thời là dịp để nghiên cứu, khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn của Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Hội đồng Lý luận T.Ư |
Hội thảo đã nhận được 41 tham luận của các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ với các nội dung như: Điểm nhấn trong phát triển kinh tế của tỉnh Hà Giang qua 130 năm thành lập; Dấu ấn nổi bật trong phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang sau 30 năm tái lập; Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Tuyên trong công cuộc bảo vệ biên giới phía Bắc và góp phần xây dựng CNXH (1976 – 1991); tác động của những yếu tố tự nhiên, KT-XH và dân cư đến tính cách con người Hà Giang; Giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn của Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang; Kết quả và giải pháp nhằm củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc theo lời căn dặn của Bác Hồ; Giải pháp thực hiện an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang...
PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển tham luận tại điểm cầu T.Ư. |
Tham luận của các đại biểu tại hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ hơn truyền thống đoàn kết, chặng đường hình thành, phát triển của mảnh đất, con người Hà Giang, khẳng định vị thế, đóng góp của Hà Giang trong từng giai đoạn lịch sử. Nhiều tham luận với những số liệu thống kê cụ thể, quan điểm, luận giải rõ ràng, thuyết phục, được các đại biểu đánh giá cao.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất tham luận tại hội thảo với chủ đề: Dấu ấn nổi bật trong phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang sau 30 năm tái lập. |
Kết thúc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự đầu tư về thời gian, tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu qua các tham luận tại hội thảo. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề cơ bản: Những thành tựu, bài học kinh nghiệm trong 130 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh; ý nghĩa lịch sử, giá trị thực tiễn và lý luận của sự kiện Bác Hồ lên thăm và Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân Hà Giang, những kết quả đạt được và giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Tám lời căn dặn của Bác; những kiến nghị với Đảng, Nhà nước, với Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh để tạo bước đột phá, khai thác tiềm năng, lợi thế trong tiến trình hội nhập và phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn tham luận tại hội thảo với chủ đề: Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Tuyên trong công cuộc bảo vệ biên giới phía Bắc và góp phần xây dựng CNXH (1976 – 1991) |
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nội dung các bài tham luận phong phú, đa dạng, tìm hiểu, nghiên cứu sâu về tiến trình lịch sử, chặng đường phấn đấu, xây dựng và phát triển của tỉnh; đề xuất các giải pháp trên các lĩnh vực nhằm xây dựng quê hương Hà Giang giàu đẹp. Ban tổ chức hội thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến cũng như triển khai các nghiên cứu tiếp theo để làm sáng tỏ thêm những thành tựu, bài học kinh nghiệm, tạo tiền đề, nền tảng cho sự phát triển bền vững của Hà Giang.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Đức Thanh tham luận tại hội thảo với chủ đề: Tác động của những yếu tố tự nhiên, KT-XH và dân cư đến tính cách con người Hà Giang. |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vàng Seo Cón tham luận tại hội thảo về giải pháp củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc theo lời dạy của Bác. |
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG