Hội nghị trực tuyến Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0
BHG - Sáng 6.12, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), Ban Kinh tế T.Ư tổ chức Hội nghị trực tuyến phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển KT – XH bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư. Dự hội nghị có Đại sứ các nước tại Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Dự tại điểm cầu Hà Giang có đồng chí: Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các sở, ngành liên quan.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. |
Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 là sự kiện thường niên do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức có quy mô quốc tế, góp phần quan trọng vào hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển KT – XH, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 năm 2021 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” với quy mô gồm: 1 phiên toàn thể, 10 hội thảo chuyên đề hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến cùng với hoạt động triển lãm thực tế ảo về các sản phẩm, công nghệ, nền tảng số.
Tại Phiên toàn thể diễn đàn đã tập trung vào các báo cáo chính gồm khung chính sách phục hồi và phát triển KT - XH bền vững gắn với chiến lược phòng chống dịch COVID-19; Công nghiệp 4.0: Xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam; Đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu COVID-19; Công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý đối với các lĩnh vực kinh tế số, hạ tầng số, giao thông số, giáo dục số… Xây dựng khung chính sách phục hồi và phát triển KT - XH của Việt Nam gắn với phòng, chống dịch covid – 19 giai đoạn 2021 - 2023. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị về mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển và có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á...
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu, chuyên gia tại diễn đàn. Đồng thời, cảm ơn sự hợp tác, chia sẻ của các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam trong phát triển KT – XH nói chung và công tác phòng, chống dịch, đặc biệt hỗ trợ về vắc xin phòng Covid-19. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng hết sức nặng nề trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hiện đang hoàn thiện chương trình phòng, chống dịch và phục hồi KT – XH. Trong đó, chương trình phòng chống dịch Covid-19 tập trung vào cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực y tế; chương trình phục hồi KT - XH sẽ tập trung vào biện pháp y tế, an sinh xã hội, doanh nghiệp và hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số. Thủ tướng khẳng định: Phục hồi hay phát triển KT – XH thì nội lực vẫn là cơ bản, chiến lược lâu dài nhưng ngoại lực vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng… Do đó cần có sự kết hợp hài hòa phát huy đoàn kết quốc tế và đoàn kết dân tộc, đồng thời tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thể chế, cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, các địa phương cùng với Chính phủ tiếp tục quan tâm đến cơ sở hạ tầng giao thông, điện và sóng, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân, ổn định chính trị, giữ vững QP – AN. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH trong thời kỳ công nghệ số, kỷ nguyên số, công nghệ số.
Tin, ảnh: Văn Long