Hội thảo "Định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"
BHG - Sáng 16.11, tại tỉnh Lào Cai, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế T.Ư và tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức Hội thảo “Định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đặng Xuân Phong, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lào Cai; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư; các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo các tỉnh trong khu vực dự tại các điểm cầu.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cùng các đại biểu dự hội nghị tại Lào Cai. Ảnh: PV |
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang dự tại tỉnh Lào Cai. Tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì hội thảo tại điểm cầu Hà Giang. |
Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi những hạn chế, cơ hội, thách thức, lợi thế, tiềm năng cho sự phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Khẳng định đây là vùng có vị trí KT – XH, QP – AN và đối ngoại đặc biệt quan trọng của cả nước. Vì vậy, phát triển vùng phải phù hợp với chiến lược phát triển KT – XH của cả nước, đảm bảo thống nhất với hệ thống quy hoạch Quốc gia; phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng và từng địa phương trong vùng, nhất là các di sản văn hóa đặc sắc; khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng; bảo vệ môi trường; tăng cường đa dạng sinh học; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực, bảo đảm vững chắc QP – AN; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Các đại biểu dự hội thảo trực tuyến tại điểm cầu Hà Giang. |
Tham gia ý kiến tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh và lãnh đạo các tỉnh cho rằng: Để phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có chính sách đột phá tập trung, mang tính thiết thực; huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các mục tiêu KT – XH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng giá trị và hiệu quả. Cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với từng địa phương, từng tiểu vùng và toàn vùng; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là liên kết hệ thống giao thông; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế. Xây dựng cơ chế liên kết và điều phối phát triển vùng; xây dựng mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm địa phương; có cơ chế đột phá trong bối cảnh thích ứng an toàn mới với dịch Covid-19 để phát triển du lịch; phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có cơ chế, chính sách huy động và phân bổ các nguồn lực cho KT – XH; đẩy mạnh theo dõi, kiểm soát giá cả, chất lượng các mặt hàng phục vụ sản xuất, sinh hoạt…
Tin, ảnh: Kim Tiến