Giám sát phải thể hiện chính kiến rõ ràng, tránh rút kinh nghiệm chung chung
Phát biểu khai mạc phiên họp thứ năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 22/11, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan giám sát phải thể hiện chính kiến về tình trạng không chỉ chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà còn ban hành văn bản trái với quy định của pháp luật dẫn tới phải hủy bỏ, thu hồi; tránh nêu và rút kinh nghiệm chung chung.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. |
Theo chương trình làm việc hai ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội để đánh giá tổng thể về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Mục tiêu đề ra nhằm nghiên cứu giải pháp để xử lý tình trạng văn bản có nội dung sai hoặc chưa rõ ràng, cách hiểu và áp dụng không thống nhất; có phương án giải quyết những khó khăn đã được chỉ ra trong quá trình thực hiện.
Từ đó, có phương án giải quyết những khó khăn đã chỉ ra trong quá trình thực hiện giám sát và xem xét các kiến nghị đưa ra để thực hiện công tác này ngày càng hiệu quả và chất lượng nhằm mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
“Trên tinh thần đổi mới công tác giám sát, phải làm cho đến nơi đến chốn, chỉ rõ trách nhiệm ở đâu, trách nhiệm cụ thể của tổ chức nào, tập thể, cá nhân...” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội bên cạnh biểu dương những việc tốt, như tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được khắc phục nhiều so với trước đây, đồng thời đề nghị cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế tình trạng ban hành văn bản trái quy định của pháp luật là nguyên nhân gây ra những vướng mắc về thể chế.
Quang cảnh phiên họp thứ năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung hai dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2022, gồm dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Cả hai dự án luật này đều là nhiệm vụ lập pháp đã được các cơ quan có thẩm quyền giao, phê duyệt. Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà dự án luật chưa được xem xét.
Tại nghị quyết chung của Kỳ họp thứ hai, nghị quyết về kinh tế-xã hội cũng như nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là một trong những luật mà Quốc hội yêu cầu sớm xem xét sửa đổi, bổ sung cùng với các luật có liên quan tới lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung hai dự án luật nêu trên, nhất là các dự kiến về những nội dung chính sách lớn.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp trên tinh thần những dự án luật đã được đưa vào danh mục thì cần chuẩn bị kỹ lưỡng, khắc phục tình trạng “đưa vào xếp chỗ cho có, sau đó đưa vào rồi lại rút ra”.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân quốc.
Đây là hiệp định toàn diện về bảo hiểm xã hội song phương đầu tiên của Việt Nam và đã được Chính phủ hai nước đàm phán từ năm 2015. Hiệp định được ký kết nhằm tránh tình trạng đóng bảo hiểm xã hội hai lần, bảo đảm tối ưu hóa quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động làm việc tại hai quốc gia.
Trong các nội dung của hiệp định có hai vấn đề chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ tài liệu để cho ý kiến vào các vấn đề này.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét về dự thảo nghị quyết giải thích một số điều cua Bộ luật Hình sự, tạo cơ sở để các cơ quan thực hiện đúng, đầy đủ cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về việc xử lý hình sự và áp dụng hình phạt đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến bí mật kinh doanh.
Trên cơ sở xem xét báo cáo tình hình thực hiện chi phí quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội trong giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng để quyết định mức chi phí quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội trong giai đoạn ba năm tới.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ hai, rút kinh nghiệm, bài học quý, từ ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân để chuẩn bị sơ bộ cho kỳ họp thường kỳ vào tháng 5 tới cũng như kỳ họp bất thường sắp tới.
Về dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường vào cuối năm, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, kỳ họp này chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách và đột xuất, cấp thiết cho quốc kế dân sinh và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngay từ bây giờ đối với các nội dung, chương trình kỳ họp.
Ngay sau khi kết thúc mỗi nội dung, Thường trực các cơ quan của Quốc hội có liên quan cần khẩn trương phối hợp Tổng thư ký Quốc hội hoàn thiện dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận, nghị quyết theo thẩm quyền.
Theo nhandan.vn