Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia
BHG - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 30.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV và Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan chủ trì tại điểm cầu tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV và Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan chủ trì tại điểm cầu tỉnh. |
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) công phu, kỹ lưỡng, bám sát các căn cứ chính trị, pháp luật, thực tiễn. Nhiều ý kiến đánh giá việc chuẩn bị Quy hoạch sử dụng đất lần này được chuẩn bị tốt nhất từ trước đến nay. Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra, tình trạng quy hoạch giai đoạn vừa qua được xây dựng rất chậm. Đến năm 2019, vẫn có tới 5 tỉnh chưa phê duyệt được quy hoạch đất đai, trong khi quy hoạch đất đai phải đi trước một bước, làm cơ sở cho các quy hoạch khác. Hay cơ sở dữ liệu về đất đai hiện nay còn nhiều vấn đề đặt ra, chưa hoàn thiện, chưa thực sự phục vụ hiệu quả cho việc quản lý, sử dụng đất.
Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh ta (dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội) phát biểu thảo luận tại phiên họp. |
Một số ý kiến đề nghị phải chú ý việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất trồng lúa 2 vụ, đặc biệt khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long để bảo đảm an ninh lương thực, góp phần phát triển nông nghiệp với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Đồng thời cân nhắc về chỉ tiêu đất rừng, bên cạnh việc bảo đảm chỉ tiêu độ che phủ rừng, cần chú ý đến chất lượng rừng. Có ý kiến đề nghị cân nhắc lại việc giảm diện tích rừng phòng hộ tại khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung vì vùng này địa lý kéo dài, một mặt là đồi núi, một mặt giáp biển, độ dốc rất lớn, thường xuyên xảy ra bão lũ, gây thiệt hại về người và tài sản.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh ta (dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội) đề nghị quan tâm đến vấn đề khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để từ đó giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định cho người dân. Đánh giá kỹ về công tác giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở đối với các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đưa ra giải pháp phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị cần có quy hoạch đảm bảo diện tích và sản lượng lúa nhằm giữ vững an ninh lương thực. Cần có chính sách về nguồn lực đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh miền núi thực hiện quy hoạch sử dụng đất, nhất là cho phát triển hạ tầng kết nối để thực hiện chủ trương chuyển dịch đầu tư sang vùng trung du, miền núi nhằm giảm áp lực chuyển đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm có chất lượng cao cho mục đích khác tại các tỉnh có điều kiện.
Kết thúc phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Đây cũng là phiên họp cuối của đợt 1 theo hình thức trực tuyến, đợt 2 Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, thời gian dự kiến từ ngày 8.11.2021 đến ngày 13.11.2021.
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc