Cơ chế đột phá đầu tư xây dựng đường cao tốc
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã trình Chính phủ dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu 5 năm tới sẽ hoàn thành hơn 2.000 km đường cao tốc với tổng vốn đầu tư gần 400 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước bố trí khoảng 239,5 nghìn tỷ đồng, còn lại 153,5 nghìn tỷ đồng huy động vốn ngoài ngân sách.
Ảnh minh họa. |
Phải thẳng thắn nhìn nhận, nếu không có chính sách đặc thù, việc hoàn thành mục tiêu trên sẽ rất khó khăn. Do vậy, việc xây dựng cơ chế mang tính đột phá để thí điểm, trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết, làm cơ sở triển khai thực hiện, sau đó rút kinh nghiệm, đề xuất triển khai cho giai đoạn 5 năm tiếp theo là rất cần thiết.
Bộ GTVT đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án theo hình thức PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án; cho phép Chính phủ được phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại và tính vào bội chi của ngân sách địa phương. Ðồng thời, đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn lập dự án, tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, tư vấn giám sát thi công xây dựng, các gói thầu thực hiện di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ giải phóng mặt bằng. Bộ đề xuất cho phép nhà đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng được cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá) chỉ sử dụng cho các dự án đường bộ cao tốc thì không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án đường cao tốc đi qua được khoanh định khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nêu trên là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Theo nhận định của một số chuyên gia ngành giao thông, quá trình thực hiện dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trước đây, Nhà nước đã thí điểm nhiều cơ chế đặc thù như hỗ trợ giải phóng mặt bằng; Chính phủ bảo lãnh khoản vay; nhà đầu tư được khai thác một số quỹ đất chung quanh tuyến đường,…
Các cơ quan quản lý có thể tổng kết, đánh giá, xem xét cơ chế nào phù hợp để đề xuất cho các dự án sắp triển khai.
Ðầu tư các dự án cao tốc theo hình thức PPP đúng mục tiêu, cần nghiên cứu, nâng tỷ lệ vốn góp nhà nước phù hợp. Nhiều dự án cấp thiết nhưng giai đoạn đầu nhu cầu vận tải thấp, nên cần tỷ lệ góp vốn của Nhà nước cao hơn để tăng tính hấp dẫn, khả thi. Luật PPP quy định, vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư, một số dự án sẽ buộc phải quay sang sử dụng ngân sách, trong hoàn cảnh hiện tại, nhiều dự án sẽ đi vào "ngõ cụt".
Thời gian qua, một số địa phương kiến nghị Chính phủ phát hành gói trái phiếu và cho địa phương vay lại, địa phương có trách nhiệm hoàn trả từ các nguồn thu của địa phương, nhất là nguồn tăng thêm từ khai thác quỹ đất. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hành lang pháp lý đối với hình thức này, do vậy, Bộ GTVT đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành cơ chế này. Bên cạnh đó, việc triển khai thủ tục cấp phép khai thác vật liệu xây dựng theo Luật Khoáng sản trong thời gian qua mất rất nhiều thời gian. Do vậy, để chủ động nguồn nguyên liệu các dự án đường cao tốc trọng điểm, có thể xem xét quy hoạch tổng thể các mỏ vật liệu và giao chủ đầu tư hoặc Ban Quản lý dự án thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư quản lý các mỏ, sau khi hoàn thành dự án bàn giao lại cho địa phương quản lý hoặc đấu giá nguồn tài nguyên còn lại. Nhà thầu thi công được giao khai thác mỏ và chỉ phục vụ cho công trình trọng điểm quốc gia.
Hiện nay, một số địa phương như Quảng Ninh đã và đang làm rất tốt cơ chế vật liệu cho dự án hạ tầng đầu tư bằng vốn ngân sách, vừa chủ động nguồn nguyên vật liệu, vừa kiểm soát và tối ưu chi phí đầu tư dự án.
Ý kiến bạn đọc