Tổng kết Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017 – 2021
BHG - Sáng 28.9, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 – 2021, góp ý dự thảo Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 – 2030 và mít tinh Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại (28.9). Dự hội nghị tại điểm cầu T.Ư có lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang có đồng chí Hoàng Hải Lý, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT; lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; đại diện các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang. |
Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017 – 2021 đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, đạt được các kết quả nổi bật như: Không xuất hiện ổ dịch bệnh dại nghiêm trọng ở động vật; tỷ lệ đàn chó được tiêm vắc xin phòng bệnh dại tăng từ 38,5% (năm 2017) lên 49,2% (năm 2021); số ca tử vong vì bệnh dại giảm; cả nước đã có 14 vùng an toàn bệnh dại; năng lực giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch bệnh dại được tăng cường rõ rệt; giảm 30% số tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại…
Giai đoạn 2017 – 2021, có 41 tỉnh, thành phố phát hiện bệnh dại ở động vật và xử lý tổng cộng 15.082 con chó, 6 con bò, bê mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Tình hình bệnh dại ở người trong giai đoạn 2017 – 2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52 tỉnh, thành phố. Trung bình mỗi năm có 76 ca tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 – 2016. Hệ thống tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên người đã được xây dựng và triển khai ở các tuyến huyện, đáp ứng khả năng tiếp cận vắc xin cho người bị phơi nhiễm với động vật nghi dại.
Tại tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2017 – 2021, toàn tỉnh xảy ra 9 ổ dịch, làm 9 người tử vong, số người bị chó cắn phải tiêm dự phòng là 3.748 người. Hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện tốt việc thống kê đàn, lập sổ quản lý chó nuôi; yêu cầu các hộ nuôi chó ký cam kết thực hiện việc khai báo, đăng ký chó nuôi, thực hiện xích, nhốt, rọ mõm theo quy định. Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm theo quy định. Khi có dịch xảy ra, các biện pháp chống dịch được triển khai đồng bộ, kịp thời như khoanh ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm bệnh, thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, tiêm phòng khẩn cấp, bao vây ổ dịch… vì vậy, dịch bệnh được khống chế, không lây lan ra diện rộng.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tại các điểm cầu đã tập trung đóng góp ý kiến vào dự thảo Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 – 2030. Với mục tiêu đến năm 2030 không còn người tử vong vì bệnh dại, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp như: Nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền các cấp về bệnh dại, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường quản lý và tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn vật nuôi; nâng cao năng lực điều tra, phát hiện, xử lý ổ dịch và chẩn đoán, xét nghiệm bệnh dại; bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại; mở rộng điểm tiêm vắc xin trên toàn quốc…
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc