Công bố Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
BHG - Sáng 15.9, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ, Bộ GTVT tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, công bố Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự tại điểm cầu trung tâm có lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư. Dự tại điểm cầu Hà Giang có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh và các đại biểu dự hội nghị trực tuyến với Bộ GTVT tại điểm cầu của tỉnh. |
Theo Quyết định số 1454 ngày 1.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ, mạng lưới quốc lộ gồm 172 tuyến, tổng chiều dài khoảng 29.795 km. Mạng lưới đường bộ cao tốc được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km, gồm: Trục dọc Bắc – Nam; khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến; khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 10 tuyến; khu vực phía Nam gồm 10 tuyến; vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh... Nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 dự kiến khoảng 900.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Các dự án ưu tiên đầu tư của giai đoạn 2021 – 2030 gồm có: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng khu vực phía Bắc, kết nối miền Trung với Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; các tuyến cao tốc vành đai và các tuyến kết nối với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; các Quốc lộ chính có tính chất kết nối quốc tế, kết nối liên vùng.
Đối với tỉnh Hà Giang có tuyến nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai với Hà Giang có chiều dài dự kiến 84km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030; tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang có chiều dài dự kiến 165km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030…
Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định kết cấu giao thông đường bộ đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng KT – XH, là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề phát triển KT – XH, gắn với bảo đảm QP - AN, an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Kết nối hiệu quả giữa các loại hình giao thông và giữa hệ thống đường bộ quốc gia với hệ thống đường địa phương; kết nối vùng, miền, các đầu mối vận tải và quốc tế. Phát huy thế mạnh là phương thức linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly ngắn và trung bình, hỗ trợ gom và giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác… Mục tiêu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế và phấn đấu xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Định hướng đến năm 2050, hoàn thiện mạng lưới đường bộ trong cả nước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, bảo đảm thuận tiện, an toàn, chi phí hợp lý.
Đây là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, được đánh giá có quy mô, phạm vi và sức ảnh hưởng lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia của cả nước. Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cũng là một trong 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT (đường bộ; đường thủy nội địa; cảng hàng không, sân bay; cảng biển; đường sắt). Đây là lần đầu tiên các quy hoạch chuyên ngành GTVT được thực hiện đồng thời, có phân công rõ vai trò dựa trên lợi thế từng phương thức trên từng hành lang vận tải chính, đảm bảo tính hệ thống, kết nối đồng bộ giữa các chuyên ngành...
Tin, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc