Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Dũng dự Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid – 19 toàn quốc
BHG - Sáng 10.7, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức lễ phát động trực tuyến triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid – 19 toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì buổi lễ. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Dự tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đức Qúy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Các đồng chí lãnh đạo dự lễ phát động tại điểm cầu tỉnh. |
Hiện tại, cả nước đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid -19 cho gần 4 triệu người, đạt trên 6% tổng dân số. Đặt ra mục tiêu đến quý I.2022, trên 70% dân số cả nước sẽ được tiêm vắc xin phòng Covid – 19, tạo được miễn dịch cộng đồng. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế triển khai phát động Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid – 19 toàn quốc, thực hiện từ tháng 7.2021 đến tháng 4.2022 với 18 nghìn điểm tiêm trên cả nước. Trong đó, các nhóm đối tượng ưu tiên tiếp tục được thực hiện theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ, các đối tượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất; ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên nguồn vắc xin cho 4 nhóm địa phương, gồm: Tỉnh, thành đang có dịch; vùng kinh tế trọng điểm; nơi có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tỉnh, thành có biên giới, có cửa khẩu quốc tế. Dự kiến, chiến dịch sẽ sử dụng 8,7 triệu liều vắc xin; kinh phí triển khai từ nguồn ngân sách, Qũy vắc xin Covid – 19 và nguồn viện trợ. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch, trực 24/24h và thiết lập các tiểu ban giám sát về chất lượng, phản ứng sau tiêm, đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid- 19 toàn quốc một trong những chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng của Việt Nam. Lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, từng bước tạo ra miễn dịch cộng đồng; do vậy, các bộ, ban, ngành, các địa phương triển khai chiến dịch cần thực hiện nghiêm nguyên tắc: Vắc xin về tới đâu, tiêm ngay tới đó và an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu. Điều này đòi hỏi đội ngũ y tế tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, chuyên môn, thực hiện tiêm chủng khoa học, đúng quy trình, hiệu quả và nhanh chóng. Đồng thời, việc cung ứng, vận chuyển, bảo quản, tổ chức tiêm phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đơn vị có liên quan trong quản lý, giám sát vắc xin, đảm bảo không bỏ phí bất kỳ liều vắc xin nào. Ứng dụng triệt để CNTT vào chiến dịch từ khâu đăng ký, khám sàng lọc đến tổ chức triển khai, công khai, minh bạch. Đồng chí kêu gọi sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện chiến dịch, quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Tin, ảnh: PHẠM HOAN