Hội nghị trực tuyến đánh giá tiến độ giải ngân vốn nước ngoài
BHG - Ngày 14.6, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành địa phương về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 5 tháng đầu năm 2021 và triển khai các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2021. Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Theo đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài đang rất chậm. Tính đến hết ngày 10.6.2021, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành là 1.253 tỷ đồng, đạt 7,53% so với dự toán được giao. Mặc dù đã có 5/13 bộ, ngành có giải ngân nhưng số giải ngân tập trung chủ yếu ở 2 bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải. Đáng lưu ý, có đến 8/13 bộ, ngành, 37 địa phương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2021. Hiện, Bộ Tài chính mới chỉ nhận được 129 công văn đề nghị rút vốn, đã xử lý 129 đơn rút vốn với thời gian xử lý đơn rút vốn bình quân là 1,5 ngày.
Đối với tỉnh Hà Giang, trong 5 tháng đầu năm 2021, Hà Giang đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch và lộ trình giải ngân theo từng nguồn vốn và từng dự án. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng thi công các công trình. Đặc biệt UBND tỉnh đã thành lập “Tổ công tác” để hướng dẫn, giám sát dự án có nhiều vướng mắc. Đến nay, tổng số vốn đã giải ngân là trên 20,245 tỷ đồng, đạt 1,88% kế hoạch. Nguyên nhân giải ngân chậm là do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19; vướng mắc trong thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; nhiều thủ tục pháp lý, phương thức giải ngân, quy trình, thủ tục điều chỉnh tương đối phức tạp nên mất nhiều thời gian.
Kết luận hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh: Nếu giải ngân tốt vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, thực hiện tốt nhiệm vụ về tài chính, ngân sách dự toán đã được Quốc hội giao. Ngược lại, việc giải ngân nguồn vốn này đạt thấp, kéo dài là đáng quan ngại. Do đó, cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2021. Trong đó, tích cực hoàn tất các thủ tục đầu tư, triển khai giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, thẩm tra khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ thanh toán theo quy định, hoàn lại chứng từ hồ sơ với khoản tạm ứng để ghi thu ghi chi… Các cơ quan chủ quản dự án tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các ban quản lý dự án trong quá trình triển khai. Về phía Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; thực hiện kiểm soát và rút ngắn thời gian hoàn chứng từ đối với hình thức thanh toán qua tài khoản đặc biệt; tiếp tục hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước đảm bảo đúng thời hạn quy định; không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do…
Tin, ảnh: Phi Anh