Xuân 1941 Cao Bằng đón Bác Hồ trở về Tổ quốc
Từ tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Bác Hồ đã phát hiện ra Cao Bằng là nơi hội đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng, nơi “đi đầu trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc” từ đó mở rộng ra toàn quốc.
Bác Hồ về Pác Bó, Cao Bằng (ngày 28-1-1941). Tranh: Trịnh Phòng |
Với khát vọng tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc khi mới 21 tuổi. Người đã bôn ba khắp năm châu, bốn biển, vừa lao động vừa học tập, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, để rồi tìm thấy chân lý của thời đại: Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Trước khi trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng, Người đã phát hiện ra Cao Bằng là nơi hội đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng, từ đó mở rộng ra toàn quốc. Người chỉ rõ: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể công, lúc khó khăn có thể thủ”.
Cao Bằng có đủ điều kiện trở thành một trong những bàn đạp chiến lược đầu tiên của thời kỳ khởi nghĩa vũ trang giải phóng dân tộc. Nhưng yếu tố quan trọng góp phần đi đến quyết định lựa chọn của Bác chính là vì Cao Bằng có “phong trào tốt từ trước”. Từ ngày có Đảng, đồng bào các dân tộc Cao Bằng luôn một lòng một dạ theo Đảng, không ngừng đấu tranh chống thực dân, phong kiến.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3-2-1930 thì đến ngày 1-4-1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Cao Bằng được thành lập-Chi bộ Nặm Lìn (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An). Tiếp đó, tại Cao Bằng lần lượt xuất hiện các chi bộ Đảng, đặc biệt là Chi bộ Cốc Coóc (Quảng Uyên) giữ mối liên lạc từ Cao Bằng sang Long Châu (Trung Quốc), nơi hoạt động của Chi bộ hải ngoại của Đảng ta.
Tháng 7-1933, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng do đồng chí Hoàng Như làm Bí thư Tỉnh ủy đã được công nhận. Tháng 7-1935, đồng chí Hoàng Như được cử tham gia đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp ở Mát-xcơ-va. Đồng chí có bản tham luận về “Công tác vận động các dân tộc thiểu số ở Đông Dương tham gia cách mạng”. Trong thời gian lưu lại Mát-xcơ-va, qua đồng chí Hoàng Như, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã hiểu thêm về con người Cao Bằng; nắm rõ Cao Bằng không những có điều kiện địa hình thuận lợi mà còn có phong trào quần chúng vững chắc.
Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí của mình vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam-Trung Quốc về đến Pác Bó (Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng). Đồng bào Pác Bó vinh dự và tự hào đón Bác trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Tại Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước; chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (từ ngày 10 đến 19-5-1941) hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam; thành lập Mặt trận Việt Minh và chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng đều lấy tên là các Hội cứu quốc; quyết định khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và nhiều vấn đề quan trọng khác…
Người chỉ đạo thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Cách mạng Tháng Tám 1945. Ngày 7-5-1954, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ toàn thắng, cả nước thống nhất, tiến lên xây dựng CNXH… Tất cả những dấu son lịch sử huy hoàng đó đều được bắt đầu từ mùa Xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Sự kiện Bác Hồ trở về nước vào mùa Xuân năm 1941 đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước và sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam.
Mùa Xuân 2021 này chúng ta kỷ niệm sự kiện lịch sử 80 năm Ngày Bác Hồ trở về Tổ quốc đúng vào thời điểm diễn ra Đại hội XIII của Đảng. Đảng ta đã quyết định đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, với tư duy mới, tầm nhìn mới, thực hiện khát vọng Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Vinh dự, tự hào là “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn phát huy truyền thống quê hương, đoàn kết, khắc phục khó khăn, nguyện mãi đi theo con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn; xây dựng tỉnh nhà trở thành “một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng CNXH” như Bác Hồ hằng mong mỏi.
Theo haiquanvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc