Vinh dự những lần được tham dự Đại hội của Đảng

14:35, 28/01/2021

BHG - Kỷ niệm lớn trong cuộc đời tôi là đại biểu dự 4 Đại hội toàn quốc của Đảng (từ Đại hội VI đến Đại hội IX), trong đó Đại hội VI được xem là bước ngoặt quan trọng trên con đường cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Đại hội lần thứ VI của Đảng. ảnh: Tư liệu
Đại hội lần thứ VI của Đảng. ảnh: Tư liệu

Vào thời điểm diễn ra Đại hội VI (tháng 12.1986), đất nước đứng trước thách thức nghiêm trọng. Kinh tế, xã hội khủng hoảng, lạm phát trên 700%, đời sống các tầng lớp nhân dân vô cùng khó khăn, lại bị bao vây cấm vận… Các nước xã hội chủ nghĩa rơi vào khủng hoảng. Mặc dù Đảng ta đã thấy rõ sự thật đó, nhưng bằng cách nào để vượt qua thì cần phải tìm tòi. Bước đầu đã có những chủ trương mang tính đột phá, nhưng vẫn còn dò dẫm, chưa có tác dụng xoay chuyển được nền kinh tế tập trung bao cấp.

Để chuẩn bị cho Đại hội VI, Bộ Chính trị đã nhiều lần bổ sung, điều chỉnh Dự thảo Báo cáo chính trị. Khi bước vào Đại hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là vấn đề phải nhìn thẳng vào sự thật, phải có sự đổi mới, mà đột phá là “đổi mới tư duy lý luận”. Còn nhớ, vào buổi chiều trước hôm khai mạc Đại hội VI, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đến thăm đoàn đại biểu Nghệ Tĩnh. Với nét mặt đôn hậu, thái độ cởi mở, nhẹ nhàng, nghiêm túc, đồng chí nói đại ý: “Tôi vừa đi dự Hội nghị các Đảng cộng sản và công nhân thế giới ở Đức về. Hội nghị nhất trí phải từng bước thay đổi mô hình phát triển, nhưng thay đổi thế nào thì mỗi nước nói mỗi kiểu, tôi đã báo cáo với Trung ương. Ở nước ta có đặc thù riêng, cần phải đổi mới thế nào cho phù hợp nhưng phải giữ được XHCN. Trung ương nhất trí về chủ trương, nhưng đổi mới từ gì trước thì vẫn đang bàn, cuối cùng đã đi đến thống nhất như Dự thảo đã gửi cho các đồng chí, phải “đổi mới tư duy” trước. Nghĩa là phải làm sao thay đổi được cách nghĩ, cách làm, mô hình phát triển đã ngự trong chúng ta bao năm nay rồi. Tôi mong đoàn đại biểu tỉnh Nghệ Tĩnh, với 56 đại biểu, đại diện cho Đảng bộ quê hương Bác Hồ, quê hương Xô Viết sẽ ủng hộ đường lối đổi mới. Tôi tin tưởng và chúc các đồng chí góp phần tích cực tạo sự thống nhất cao ở Đại hội và về địa phương thực hiện tốt đường lối đổi mới”. Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ Tĩnh rất cảm động, đồng chí Trưởng đoàn - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Kỳ Cẩm hứa với Tổng Bí thư, đoàn Nghệ - Tĩnh xem đây là tư tưởng chỉ đạo các đại biểu sẽ nghiêm túc chấp hành.

Trong quá trình Đại hội, không khí thảo luận dân chủ, sôi nổi trong hội trường, cũng như ở các đoàn, hầu như chỉ tập trung vào vấn đề đổi mới. Rất mừng là Đại hội đã thống nhất cao cần phải tiến hành đổi mới, mà trước tiên là đổi mới tư duy, nhận thức. Đại hội đã hoạch định nội dung quan trọng về đường lối đổi mới. Về kinh tế, thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp, phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường liên thông trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài… Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng trên cơ sở dựa vào dân, phát huy dân chủ, nhìn thẳng vào sự thật, chống quan liêu, bảo thủ, giáo điều, duy ý chí. Đổi mới nội dung quản lý của Nhà nước, làm rõ chức năng quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, lấy lợi ích người lao động làm đầu.

Nghị quyết Đại hội VI đi vào cuộc sống như một làn gió mới thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, từng bước vượt qua được khó khăn, thử thách. Từ một nước thiếu lương thực, đến năm 1989 đã đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, lạm phát giảm từ 774% năm 1981 xuống còn 67% năm 1991, thu hút vốn đầu tư nước ngoài gần 1 tỷ USD…,

Đến Đại hội VII, công cuộc đổi mới đã có những thành công bước đầu, nhưng thử thách nghiêm trọng lại đến, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ. Nước ta mất hẳn chỗ dựa về mọi mặt. Tình hình tư tưởng, chính trị bất ổn, một bộ phận đảng viên xin ra khỏi Đảng. Nhân dân hoang mang, dao động, thiếu niềm tin vào con đường XHCN. Đứng trước tình hình đó, Đại hội VII của Đảng tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới và nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ thể hiện ở “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ”. Thực hiện Cương lĩnh Đại hội, từ năm 1991 – 1995, nước ta đã có những bước đột phá quan trọng. GDP hằng năm tăng bình quân 8,2%, lạm phát giảm còn 12%, Việt Nam cơ bản đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Đường lối đổi mới từ Đại hội VI và kết quả thực hiện đường lối đổi mới mà hai Đại hội VI và VII mang lại đã làm xoay chuyển một bước quan trọng tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Đến Đại hội VIII, tiếp tục con đường đổi mới, Đảng đã tổng kết thực tiễn để hoàn thiện thêm về mục tiêu, mô hình, bước đi. Kiên định cơ chế thị trường định hướng XHCN, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đại hội IX (tháng 9.2001) khẳng định vai trò quan trọng của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Tăng cường vai trò quản lý của nhà nước với các yếu tố thị trường đồng bộ, như thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường bất động sản… Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Từ khởi đầu đổi mới ở Đại hội VI, các Đại hội về sau này tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới. Trên cơ sở tổng kết 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, trước những thách thức cũng như thành tựu đã đạt được, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục sáng tạo, phát triển đường lối đổi mới với tư duy mới, tầm nhìn mới, khơi dậy khát vọng dân tộc thịnh vượng và hùng cường. Phấn đấu với mục tiêu đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng XHCN.

Đặng Duy Báu


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hôm nay (28/1): Đại hội XIII nghe báo cáo, xem xét công tác nhân sự

Hôm nay (28/1), Đại hội XIII bước vào ngày làm việc thứ 4, bắt đầu xem xét công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

28/01/2021
Thủ tướng họp khẩn về COVID-19 tại nơi tổ chức Đại hội Đảng

Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập cuộc họp khẩn về công tác phòng chống COVID-19 tại phòng họp thuộc Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, nơi Đại hội XIII đang diễn ra.

28/01/2021
Xuân 1941 Cao Bằng đón Bác Hồ trở về Tổ quốc

Từ tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Bác Hồ đã phát hiện ra Cao Bằng là nơi hội đủ cả "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để xây dựng căn cứ địa cách mạng, nơi "đi đầu trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc" từ đó mở rộng ra toàn quốc. Với khát vọng tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc khi mới 21 tuổi. 

 

27/01/2021
Triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp

BHG - Sáng 27.1, tại trụ sở UBND tỉnh, Ủy ban bầu cử (UBBC) tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Dự hội nghị có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, Thường trực UBND các huyện, thành phố.

27/01/2021