Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc
BHG - Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ (KVPT), trong những năm qua, cùng với việc tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là phát triển KT-XH, Đảng bộ tỉnh Hà Giang luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng KVPT vững chắc, phù hợp với tình hình, khả năng thực tế của địa phương và đã đạt những kết quả rất quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tặng quà, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ rà phá vật cản phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên biên giới Thanh Thủy, Vị Xuyên. |
Hà Giang đã đẩy mạnh xây dựng nâng cao tiềm lực và thế trận KVPT tỉnh, huyện một cách toàn diện; cơ chế lãnh, chỉ đạo và điều hành xây dựng, hoạt động của KVPT được hoàn thiện và vận hành hiệu quả; lực lượng KVPT mà nòng cốt là lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ được xây dựng vững mạnh, tổ chức biên chế phù hợp, huấn luyện chặt chẽ, chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu được nâng cao; các cơ quan quân sự, công an, biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện công tác quân sự, quốc phòng có hiệu quả; công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại quân sự được tăng cường... Những nhân tố đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển khá nhanh, bền vững. Trong 5 năm qua (2015 - 2020), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng tăng trưởng khá; nông, lâm nghiệp phát triển ổn định, cơ bản bảo đảm an ninh lương thực; đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về xây dựng KVPT tỉnh giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo. Trong đó, xác định mục tiêu, nhiệm vụ là: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của lực lượng vũ trang và toàn dân, xây dựng KVPT tỉnh vững chắc, toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Từ định hướng đó, Đảng bộ tỉnh đã tập trung tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của KVPT tỉnh. Cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ QP-AN và nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; đồng thời, xây dựng chương trình hành động, ban hành các chỉ thị, kế hoạch, xác định biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để nâng cao tiềm lực chính trị - tinh thần, tỉnh hết sức coi trọng xây dựng hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) vùng sâu, vùng xa, biên giới vững mạnh toàn diện. Đội ngũ cán bộ các cấp từng bước được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý kinh tế và QP-AN; thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ các cấp, theo phương châm: Cán bộ giữa xã với xã; cán bộ tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã; luân chuyển cán bộ xã (phường, thị trấn) lên các cơ quan huyện (thành phố) để học tập kinh nghiệm quản lý, điều hành. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; tiếp tục chọn, cử tuyển cán bộ đương chức và cán bộ dự nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo cơ sở đi đào tạo. Đặc biệt, 193/193 chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn được tổ chức, hoạt động có nền nếp, phát huy tốt vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ QS-QP ở cơ sở. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc, góp phần bảo đảm an ninh biên giới, đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Là một tỉnh vùng cao, biên giới khó khăn, địa hình chia cắt, giao thương không thuận lợi; khí hậu thời tiết khắc nghiệt, mùa Đông rét đậm, rét hại kéo dài, thiếu nước trầm trọng, mùa mưa hay xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ manh mún, công nghiệp hầu như chưa phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn rất nhiều khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng khu vực phòng thủ trong tình hình mới, Hà Giang luôn gắn kết chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với giảm nghèo bền vững và tăng cường tiềm lực QP-AN ngay từ chủ trương của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, luôn bảo đảm cả hai mục tiêu KT-XH và QP-AN, trong đó tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh xác định. Các dự án phát triển KT-XH của tỉnh đã và đang triển khai xây dựng đều có tính lưỡng dụng cao. Nhờ đó, nguồn lực vật chất - kỹ thuật của KVPT tỉnh, huyện ngày càng được bổ sung, tăng cường. Kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống của nhân dân và là cơ sở bảo đảm cho QP-AN. Đến nay, các tuyến Quốc lộ 2, 4C, đường liên tỉnh, liên huyện được cải tạo, nâng cấp; 100% số xã có đường đến trung tâm, đã và đang được bê tông hóa, nối liền các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, các khu vực trọng điểm kinh tế - quốc phòng, tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển và tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới và hoạt động tác chiến của KVPT khi chiến tranh xảy ra. Tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới gắn với xây dựng làng, xã, cụm làng, xã chiến đấu trong KVPT; tích cực triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về GD-ĐT, y tế, lao động, việc làm và xóa đói, giảm nghèo bền vững. Các chính sách về an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo, hậu phương quân đội được tỉnh quan tâm thực hiện hiệu quả, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố lòng tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Tỉnh ủy Hà Giang đã chỉ đạo các cấp, các ngành chú trọng hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, ban, ngành làm tham mưu theo chức năng; cơ quan quân sự, công an, biên phòng làm trung tâm hiệp đồng và phối hợp cùng các ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện; chỉ huy trưởng quân sự chỉ huy thống nhất lực lượng vũ trang thuộc quyền. Để vận hành tốt cơ chế, tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, ban, ngành tổ chức huấn luyện và diễn tập KVPT tỉnh, huyện; diễn tập chiến đấu phòng thủ, phòng, chống lũ lụt, cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn cho các xã (phường, thị trấn). Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh đã tổ chức 1 cuộc diễn tập KVPT tỉnh, chỉ đạo 11 lượt huyện (thành phố) diễn tập KVPT; 193 lượt xã (phường, thị trấn) diễn tập tác chiến - trị an, phòng, chống cháy rừng, lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; 12 cụm tác chiến biên phòng... hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch với kết quả tốt. Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực triển khai rà phá bom, mìn, vật cản, phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đưa dân về tái định cư ở các thôn giáp biên giới... đảm bảo bố trí dân cư bố trí lực lượng phù hợp với từng vùng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
Tỉnh ủy luôn coi trọng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương. Các lực lượng quân sự, biên phòng, công an được tỉnh thường xuyên chăm lo xây dựng, có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, trước hết là chất lượng chính trị, khả năng sẵn sàng chiến đấu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chính quyền các cấp có những chủ trương, biện pháp phù hợp, tập trung xây dựng các chi bộ, đảng bộ quân sự, biên phòng, công an trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt; gắn xây dựng các chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh với xây dựng cơ quan quân sự, biên phòng, công an vững mạnh toàn diện, có đủ trình độ, năng lực tham mưu cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ QP-AN, xây dựng KVPT. Đồng thời, chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng chấp hành nghiêm quy chế phối hợp theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP (nay là Nghị định 03/2019/NĐ-CP) của Chính phủ trong bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Lực lượng thường trực của tỉnh được xây dựng, tổ chức theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Lực lượng dự bị động viên được xây dựng ngày càng vững mạnh; thực hiện tốt quy trình tạo nguồn, đăng ký, quản lý, sắp xếp, huấn luyện đến việc bảo đảm chế độ, chính sách… Đến nay, đã bảo đảm xếp đủ 100% quân nhân dự bị vào các đơn vị, trong đó đủ điều kiện động viên đạt 98,31% so với tổng số dự bị hạng 1, dự bị hạng 2, nữ quân nhân dự bị có chuyên môn kỹ thuật cần cho quân đội. Lực lượng dân quân tự vệ của tỉnh được xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng và cơ cấu thành phần hợp lý; chú trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, nhất là chất lượng chính trị, trình độ sẵn sàng chiến đấu, đạt tỷ lệ 2% so với số dân, trong đó, tỷ lệ đảng viên 26,2%, dân tộc ít người 68,32%. Đến nay, 100% ban chỉ huy quân sự xã (phường, thị trấn) biên chế đủ 4 đồng chí, có trung đội dân quân cơ động; thôn, bản, tổ dân phố có tổ, tiểu đội dân quân tại chỗ. Các tiểu đội dân quân luân phiên thường trực ở các xã biên giới, vùng trọng điểm, được tổ chức chặt chẽ, phát huy tốt trách nhiệm trong việc tuần tra bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Từ những kết quả đạt được và tình hình thực tế của tỉnh hiện nay, để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng KVPT tỉnh ngày càng vững chắc; Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã xác định một số nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới, đó là:
Một là, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, chủ động nắm, dự báo, đánh giá đúng tình hình, có phương án xử lý hiệu quả các tình huống không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Hai là, quan tâm củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cấp cơ sở, địa bàn trọng điểm về QP-AN, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức đảng, chính quyền, trọng tâm là xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, qua đó tập hợp rộng rãi nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng KVPT trong điều kiện mới.
Ba là, thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, các giải pháp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để cụ thể hóa thành các đề án, chương trình, kế hoạch, trong đó tập trung phát triển kinh tế gắn với đảm bảo QP-AN thông qua các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH gắn với các công trình trọng điểm trong khu vực phòng thủ. Hằng năm, các cấp, các ngành tiến hành sơ kết đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng KVPT ở cấp mình theo mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; kịp thời bổ sung chủ trương và những biện pháp phù hợp với tình hình mới.
Bốn là, xây dựng KVPT có tiềm lực và sức mạnh toàn diện, nhằm ngăn ngừa, làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, gây rối, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để phát triển KT-XH, xử lý hiệu quả các tình huống về QP-AN.
Năm là, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho các cấp, các ngành và toàn dân nhận thức sâu sắc nhiệm vụ xây dựng KVPT, phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân, trách nhiệm tham gia xây dựng KVPT tỉnh để mỗi người dân là “một cột mốc sống” bảo vệ khu vực biên giới của Tổ quốc.
Có thể khẳng định, với những chủ trương, giải pháp tích cực, đồng bộ trong thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng KVPT, làm nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, cốt lõi là thế trận lòng dân ngày càng vững chắc; xứng đáng là phên dậu cực Bắc của Tổ quốc; phòng, chống có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho KT-XH phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh
Ý kiến bạn đọc