Vững tâm thế vào nhiệm kỳ mới
BHG - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, diễn ra từ ngày 15-17.10. Hiện tại, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nơi miền cực Bắc vững tâm thế bước vào nhiệm kỳ mới với niềm tin và kỳ vọng về sự bứt phá vươn lên của mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Phố phường Hà Giang được trang hoàng lộng lẫy. |
Nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ đại hội, từ nhiều tháng nay, các Tiểu ban đã nỗ lực làm việc, không quản khó khăn, với quyết tâm cao nhất, tập trung cao độ để Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh thực sự là kết tinh của tinh hoa trí tuệ và giá trị nhân văn cao đẹp, cùng hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển nơi miền cực Bắc Tổ quốc. Trong rất nhiều nội dung, phần việc quan trọng cần chuẩn bị, công tác xây dựng các văn kiện, dự thảo Báo cáo Chính trị, tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và quần chúng nhân dân được tiến hành bài bản, khoa học, tập hợp được trí tuệ tập thể.
Qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ khóa XVI, trình Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Giang tiếp tục phát triển khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. KT-XH ổn định, sức cạnh tranh, quy mô của nền kinh tế được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực. Chính trị - xã hội ổn định, biên giới chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quốc phòng - an ninh được củng cố.
Đường Trần Hưng Đạo thành phố Hà Giang. |
Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân 6,8% đạt mức khá so với các tỉnh trong khu vực. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 30 triệu đồng, tăng 57,4% so với năm 2015, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ: Tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm từ 36,4% đầu nhiệm kỳ xuống còn 30,3%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 21,5% lên 25,7%; thương mại - dịch vụ tăng từ 42,1% lên 44%. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, giai đoạn 2015 - 2020 đạt trên 44.694 tỷ đồng, tăng 71,3% so với giai đoạn 2010 - 2015. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10.665 tỷ đồng, bình quân hằng năm thu 2.133 tỷ đồng, trong đó năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 51,2% so với năm 2015.
Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức được chú trọng và tăng cường, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang được triển khai nghiêm túc, trở thành nội dung thường xuyên, quan trọng trong các kỳ sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức Đảng và của cả hệ thống chính trị. Qua đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo.
Nhìn thẳng vào sự thật
Bên cạnh việc đánh giá, tổng kết các thành tựu đạt được, dự thảo Báo cáo Chính trị cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, có 12 chỉ tiêu không đạt nghị quyết, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng, như: Liên kết sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo chuỗi giá trị chưa đạt hiệu quả; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm của các làng nghề còn đơn điệu; hiệu quả của kinh tế hợp tác xã, trang trại, mô hình hợp tác xã kiểu mới, tiềm năng, lợi thế kinh tế rừng chưa được khai thác.
Khai thác tài nguyên, chế biến khoáng sản chưa hiệu quả, công nghệ kém; một số dự án thủy điện triển khai chậm; quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản còn nhiều bất cập. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu và yếu, nhất là hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường xuống cấp chậm được sửa chữa, nâng cấp. Chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, trật tự đô thị, kiểm tra, giám sát chất lượng xây dựng các công trình còn nhiều hạn chế.
Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú, dịch vụ và hoạt động du lịch thiếu chuyên nghiệp. Cơ chế, chính sách, sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong vùng động lực chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Các hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư, thương mại chưa hiệu quả, việc thực hiện một số thỏa thuận hợp tác còn chậm, quan hệ hợp tác về kinh tế với các đối tác quốc tế chưa thực sự đem lại hiệu quả, nguồn nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế còn thiếu và yếu.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy có nơi, có mặt còn hạn chế; một số chỉ thị, nghị quyết triển khai chậm; việc nâng cao chất lượng sinh hoạt, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình ở một số chi bộ, đảng bộ còn yếu. Công tác kiện toàn cán bộ chủ chốt các sở, ngành, luân chuyển cán bộ chưa kịp thời, hiệu quả không cao; còn để nhiều cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật. Chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, kỹ năng, nghiệp vụ của một số cán bộ còn hạn chế.
Cải cách hành chính ở một số khâu còn chậm, hiệu quả chưa cao; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu…
Kỳ vọng ở tương lai
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII có phương châm: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển và chủ đề: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; huy động tối đa nguồn lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chăm lo đời sống nhân dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; đưa kinh tế - xã hội Hà Giang phát triển nhanh và bền vững.
Tập trung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát huy tiềm năng, lợi thế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng bảo tồn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 của tỉnh là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân 5 năm đạt 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 30%; tỷ lệ hộ nghèo duy trì mức giảm 4%/năm; 82 xã, 1 huyện đạt chuẩn NTM; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%; 100% thôn biên giới có điện, đường giao thông đạt chuẩn tiêu chí NTM.
Từ thực tế trên, tỉnh ta xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế; tập trung phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao dân trí, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; tập trung xây dựng khu vực phòng thủ các cấp, nền quốc phòng toàn dân vững chắc; thực hiện tốt chính sách xã hội hóa, giảm nghèo nhanh, bền vững, chăm lo đời sống nhân dân. Các đột phá gồm: Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc thù hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang đặt niềm tin, kỳ vọng đại hội sẽ tập trung dân chủ, trí tuệ, lựa chọn được những người thực sự có đức, có tài vào BCH khóa mới, cùng chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh và đến năm 2030 Hà Giang trở thành tỉnh có KT-XH phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 có KT-XH trung bình khá của cả nước.
Bài, ảnh: Thiên Thanh