Quyết tâm "3 đột phá" trong nhiệm kỳ mới
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thào Hồng Sơn. |
Với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) chọn 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm để đưa Hà Giang phát triển toàn diện, bền vững.
Phóng viên Huy Nam (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Thào Hồng Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang.
PV: Xin đồng chí cho biết đâu là điểm mới, điểm nhấn trong Báo cáo chính trị trình Đại đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025)?
Đồng chí Thào Hồng Sơn: Điểm mới trong văn kiện lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh Hà Giang là chúng tôi xây dựng 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Đột phá thứ nhất là về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Hà Giang là một tỉnh vùng sâu, vùng xa miền núi cơ sở hạ tầng còn rất thiếu, yếu và thậm chí là rất kém.
Chính vì vậy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định đột phá về kết cấu hạ tầng, ưu tiên nguồn lực để trong nhiệm kỳ này sớm thực hiện được tuyến đường cao tốc nối với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Thứ hai là xây dựng sân bay lưỡng dụng phục vụ cho du lịch. Nếu có đường cao tốc và và sân bay lưỡng dụng thì Hà Giang sẽ là điểm đến hấp dẫn phục vụ khách trong nước và quốc tế.
Điểm đột phá thứ hai là phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, trọng tâm là 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn. Trong đó gắn kết hiệu quả việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp.
Đột phá thứ ba là tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bằng cách huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng nhà cho hộ gia đình chính sách, người có công, cựu chiến binh nghèo. Phấn đấu đến 2025, Hà Giang giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững.
PV: Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù đã có những kết quả tích cực trong xóa đói giảm nghèo, nhưng thực tế tỷ lệ hộ nghèo của Hà Giang so với cả nước vẫn ở mức cao. Vậy, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Giang ưu tiên công tác này như thế nào?
Đồng chí Thào Hồng Sơn: Chúng tôi đặt công tác xóa đói giảm nghèo một vị trí rất quan trọng, phấn đấu giảm nghèo phải bền vững. Trong Nghị quyết Đại hội đặt vấn đề là cấp ủy đảng, chính quyền phải xây dựng chương trình hành động thực sự, vào cuộc một cách quyết liệt. Đặc biệt là thành lập các đoàn công tác của tỉnh, trong đó các đồng chí Thường vụ làm Trưởng đoàn phụ trách các huyện.
Các huyện cũng tập trung làm như vậy đến từng hộ gia đình. Hộ nào nghèo chưa có nhà ở, chúng tôi huy động xã hội hóa, hỗ trợ xây nhà. Liên quan đến cây, con giống và khoa học công nghệ thì phân công ban ngành, đoàn thể phụ trách từng xã, từng thôn để vào cuộc, gắn với hộ gia đình để phát triển kinh tế. Đấy là cách làm mới của chúng tôi.
PV: Công tác nhân sự luôn là một nội dung rất quan trọng trong mỗi kỳ Đại hội. Đồng chí có thể cho biết nhiệm vụ này đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang chuẩn bị như thế nào?
Đồng chí Thào Hồng Sơn: Thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ban thường vụ tỉnh ủy Hà Giang đã xây dựng kế hoạch về Đại hội Đảng của tỉnh.
Về Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban thường vụ tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh trong khóa XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) chúng tôi xây dựng hợp lý về số lượng, độ tuổi, giới tính, dân tộc, phân bố hợp lý giữa các địa phương và khối ngành công tác trong Đảng bộ tỉnh.
Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới cần có số lượng phù hợp. Về độ tuổi đảm bảo kế thừa cũng như phát huy được năng lực của người đã có kinh nghiệm tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lực lượng cán bộ trẻ cho những khóa tiếp theo. Do đó, cấp ủy khóa mới đặt vấn đề là phải có ba độ tuổi.
Cơ cấu dân tộc đạt được khoảng 43%, đảm bảo các thành phần dân tộc.
PV: Công tâm, khách quan và thực hiện chặt chẽ đúng quy trình, quy định để chọn ra những người đủ đức, đủ tài luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, thưa đồng chí?
Đồng chí Thào Hồng Sơn: Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để triển khai, về tiêu chuẩn, điều kiện hiện theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Quy trình đối với cán bộ để bầu vào cấp ủy lần này được thực hiện rất dân chủ, khách quan, thống nhất, đúng quy trình 5 bước.
Bất kể là ngành nào, lĩnh vực nào nhưng được phiếu cao là chúng tôi chọn nhân sự để vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!.
Huy Nam (thực hiện)