Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS và Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
BHG - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 23.10, Quốc hội tiến hành thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS) và dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Dự tại điểm cầu Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang có đồng chí Vương Ngọc Hà, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách; các ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang; đại diện một số sở, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Các đại biểu dự Kỳ họp tại điểm cầu Hà Giang. |
Trong chương trình làm việc buổi sáng, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Dự thảo sửa đổi 3 điều, bổ sung 14 điều và bãi bỏ 1 điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng quyền tiếp cận thông tin; cụ thể hóa và tăng cường quyền tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm chi trả từ Quỹ bảo hiểm y tế đối với một số dịch vụ dành cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế.
Thảo luận tại Kỳ họp, đa số các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát bổ sung quy định để giúp tăng nguồn lực, nâng cao trách nhiệm của các địa phương và tăng sự tham gia, đóng góp của xã hội, cộng đồng và cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS.
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Dự thảo Luật đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9; sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 gồm 8 chương, 76 điều. Những nội dung của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý bao gồm: Đối tượng áp dụng; chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trách nhiệm quản lý nhà nước về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thảo luận tại kỳ họp về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), các đại biểu nhất trí về sự cần thiết, quan điểm xây dựng và nội dung chủ yếu của dự thảo Luật. Về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 4), một số ý kiến đề nghị cần có chính sách với đối tượng lao động là người dân tộc thiểu số; bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi đối với người thu nhập thấp hoặc gặp khó khăn về chi phí khi đi lao động ở nước ngoài.
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG