Hội nghị triển khai nghị định về công tác văn thư, lưu trữ
BHG - Sáng 9.10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 30/2020/NĐ-CP (Nghị định 30) về công tác văn thư và Quyết định số 458/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Lưu trữ tài liệu điện tử trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2020-2025” (Quyết định 458). Đồng chí Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành, lãnh đạo các huyện; công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị…
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Đức Quý nhấn mạnh: Hội nghị triển khai Nghị định 30 của Chính phủ và Quyết định 458 có ý nghĩa thiết thực đối với cán bộ, công chức làm công tác văn thư, lưu trữ. Là 2 văn bản quan trọng đối với việc soạn thảo, ban hành và quản lý, lưu trữ văn bản, tài liệu. Chất lượng soạn thảo văn bản, quản lý văn bản không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác, hiệu suất lao động của cơ quan, tổ chức mà còn liên quan mật thiết đến công tác cải cách hành chính và bảo vệ bí mật Nhà nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Chi cục Văn thư, Lưu trữ tỉnh giới thiệu nội dung của Nghị định số 30; nghe đại diện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội giới thiệu nội dung của Quyết định số 458.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn thư, Lưu trữ” giai đoạn 2011-2018 của Bộ Nội vụ cho các cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác văn thư, lưu trữ. |
Cụ thể, Nghị định 30 của Chính phủ được ban hành để thay thế các nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Nội vụ trước đây về công tác văn thư, để tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa của công tác Văn thư và tạo khung pháp lý cao hơn, đồng bộ hơn, đối với các hoạt động soạn thảo, ban hành, quản lý văn bản, tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Đáp ứng yêu cầu quản lý loại hình văn bản, tài liệu mới, đó là văn bản, tài liệu điện tử: Đảm bảo tối thiểu 80% tài liệu lưu trữ tại các cơ quan nhà nước được tạo lập dạng điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và lưu trữ điện tử; đảm bảo tối thiểu 90% lưu trữ cơ quan thực hiện quy trình khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ trong môi trường mạng…
Đối với Quyết định 458 của Thủ tướng Chính phủ, đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với việc lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu chính là để quản lý, thống nhất, bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ điện tử hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu quản lý và thực hiện nghiệp vụ lưu trữ điện tử. Thông qua đó, nhằm đạt các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025 số hóa tối thiểu 30% tài liệu lưu trữ không ở định dạng điện tử tại lưu trữ lịch sử tỉnh; 100% công chức, viên chức làm công tác lưu trữ các cấp được bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ về lưu trữ tài liệu điện tử…
Tin, ảnh: My Ly