Bài học sâu sắc về nghệ thuật vận động cách mạng, giành chính quyền ở Hà Giang

19:04, 28/08/2020

BHG - Không như các địa phương trong cả nước, cuộc đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám (1945) ở Hà Giang được tiến hành muộn hơn; diễn ra rất căng thẳng, quyết liệt với nhiều thế lực phản cách mạng, chủ yếu bằng phương pháp vận động, lôi kéo, thu phục, cảm hóa các thế lực đối địch, giành chính quyền từng châu lỵ và thị xã Hà Giang mà không phải đổ máu. Công tác vận động cách mạng ở Hà Giang từ buổi đầu đã mang lại thành công lớn, rất đặc trưng.

Trước Cách mạng Tháng Tám, tỉnh Hà Giang có 4 châu: Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Đồng Văn và thị xã Hà Giang với khoảng 12 vạn dân. Dưới ách cai trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, Tưởng Giới Thạch và thổ ty, bang tá, địa chủ phong kiến; việc gây dựng phong trào cách mạng vô cùng khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của xứ ủy Bắc kỳ, các tổ chức Việt Minh và du kích, tự vệ cứu quốc dần hình thành ở Hùng An (Bắc Quang) tháng 3.1943; Đường Âm (Bắc Mê) tháng 9.1943; Ngọc Long, Du Già, Đường Thượng (Yên Minh) tháng 6.1944… Nhưng còn ở phạm vi nhỏ, hoạt động bí mật, chưa có tổ chức Đảng lãnh đạo. Trong khi đó, phần lớn đồng bào các dân tộc chưa được tuyên truyền cách mạng, trình độ dân trí thấp (99% mù chữ).

Tháng 8.1945, chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, ngày 13.8.1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh; ngày 14.8 Đảng cộng sản Đông Dương họp ở Tân Trào quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 16.8, Đại hội Quốc dân họp bầu ra Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Từ ngày 14 - 28.8.1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra thành công trong cả nước, ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Do không nắm được tình hình, thiếu sự chuẩn bị và không có sự chỉ đạo chung nên Hà Giang bỏ lỡ thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã. Phong trào cách mạng Hà Giang lại bước vào thời kỳ đầy khó khăn phức tạp.

Ngày 29.8.1945, phát xít Nhật rút khỏi Hà Giang; ngày 30.8.1945 quân đoàn 52 của Tưởng Giới Thạch vào chiếm đóng thị xã Hà Giang. Bám gót quân Tưởng, lực lượng “Việt Nam Quốc dân Đảng” chiếm đóng thị xã Hà Giang, lập ra “Tỉnh Đảng bộ Việt Nam Quốc dân Đảng” do Hoàng Quốc Chính làm chủ nhiệm. Chúng tập hợp lực lượng chiếm đồn bốt ở các châu lỵ, dựng chính quyền tay sai tại các địa phương. Các thổ ty, bang tá lớn, nhỏ ở các vùng được quân Tưởng giúp sức cũng tăng cường lực lượng chống phá cách mạng. Ở các vùng biên giới còn hàng trăm thổ phỉ cướp phá. Tháng 10.1945 một tiểu đoàn lính khố đỏ khoảng 400 tên từ Trung Quốc vào thị xã Hà Giang tăng viện cho Hoàng Quốc Chính. Đây là đội quân tay sai thực dân Pháp chạy sang Trung Quốc sau ngày Nhật làm đảo chính hất cẳng thực dân Pháp 9.3.1945 được quân Tưởng củng cố, trang bị lại.

Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các tổ chức Việt Minh ở Hà Giang được đặt ra lúc này là tăng cường phát triển lực lượng, vừa dùng áp lực quân sự, vừa đẩy mạnh vận động tuyên truyền chủ trương, chính sách của mặt trận Việt Minh trong các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là vận động thu phục cảm hóa đội quân khố đỏ và “Việt Nam Quốc dân Đảng” ở thị xã, các thổ ty, bang tá, địa chủ cường hào ở các vùng, giành chính quyền về tay nhân dân. Các tổ chức Việt Minh đã kết hợp dùng áp lực quân sự, bao vây kinh tế, cảm hóa thu phục bọn cầm đầu; ta đã giải phóng châu lỵ Bắc Quang ngày 5.11.1945; châu lỵ Hoàng Su Phì và tiểu khu Xín Mần ngày 15.11.1945; tiểu khu Quản Bạ, Yên Minh ngày 21.11.1945; thị xã Hà Giang ngày 8.12.1945 mà không phải đổ máu (châu Đồng Văn được giải phóng bằng quá trình thu phục thổ ty sau này) chấm dứt ách đô hộ của thực dân phong kiến. Ngày 25.12.1945, Ủy ban hành chính lâm thời tỉnh do đồng chí Thanh Phong làm Chủ tịch và tỉnh Đảng bộ Việt Minh do đồng chí Hồng Quân làm Bí thư cùng nhiều ban ngành của tỉnh ra mắt trước đông đảo nhân dân các dân tộc thị xã Hà Giang và đại biểu các địa phương trong tỉnh. Chính quyền cách mạng các cấp huyện, xã được xây dựng.

Nếu như thắng lợi của cuộc đấu tranh giành chính quyền của các địa phương trong cả nước là thắng lợi của sự kết hợp chặt chẽ giữa hai lực lượng, hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, thì thắng lợi của cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Hà Giang là thắng lợi của tinh thần đấu tranh bền bỉ, kiên trì với địch bằng tuyên truyền vận động, triệt để lợi dụng và lôi kéo, thu phục từng bộ phận lực lượng địch về với cách mạng hoặc trung lập chúng để tập trung mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù chính. Thành công của công tác vận động cách mạng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi trong cuộc vận động đấu tranh giành chính quyền ở thị xã và các châu lỵ. Đây là đặc điểm nổi bật, một thành công và bài học lớn của nghệ thuật đấu tranh, vận động cách mạng mà Đảng ta đã tiến hành ở Hà Giang.

Đại tá Phạm Xuân Thủy

(Nguyên Trưởng ban Khoa học lịch sử quân sự - Bộ CHQS tỉnh)


Cùng chuyên mục

Đoàn công tác của BTV Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo huyện Quản Bạ triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm

BHG - Chiều 28.8, Đoàn công tác của BTV Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với Đảng bộ huyện Quản Bạ do đồng chí Sùng Minh Sính, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm. Dự họp có đại diện các sở, ngành là thành viên đoàn công tác, lãnh đạo huyện Quản Bạ.

28/08/2020
Góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh

BHG - Sáng 28.8, Văn Phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị. 

28/08/2020
UBND tỉnh họp đánh giá tình hình, tiến độ giải ngân đầu tư công

BHG - Sáng 28.8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2020, nhiệm vụ, giải pháp giải ngân thực hiện những tháng cuối năm. Đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và chủ đầu tư các dự án.

 

28/08/2020
Chủ nhiệm Cơ quan UBKT – Thanh tra tỉnh Lê Quang Minh tặng quà và kiểm tra một số công trình, dự án tại huyện Yên Minh

BHG - Ngày 27.8, đồng chí Lê Quang Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Cơ quan UBKT – Thanh tra tỉnh đã thăm hỏi, tặng quà cán bộ lão thành và kiểm tra một số công trình, dự án trên địa bàn huyện Yên Minh. Cùng đi có cấp ủy, chính quyền huyện.

 

28/08/2020