Tính chiến đấu trong công tác tư tưởng hiện nay
BHG - Công tác tư tưởng là một bộ phận rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta hết sức quan tâm đến công tác tư tưởng. Khi chưa giành được chính quyền, nhờ công tác tư tưởng mà Đảng đã vận động, tập hợp được quần chúng thành phong trào đấu tranh sâu rộng và chính quần chúng được giác ngộ đó trở thành động lực quyết định cho cuộc cách mạng giành chính quyền. Nhờ Đảng ta làm tốt công tác tư tưởng mà cách mạng Việt Nam đã không ngừng phát triển, từ không thành có, từ yếu thành mạnh, để rồi đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: Đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc; vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, đưa nước nhà từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tuy vậy, không phải lúc nào, ở đâu và ai cũng nhận thức đầy đủ vai trò của công tác tư tưởng, nhất là ngày nay, khi Đảng và chính quyền đã vững mạnh, lại hoạt động trong cơ chế thị trường, nhiều vấn đề đặt ra trong xã hội nói chung, trong công tác xây dựng Đảng nói riêng, chúng ta không thể xem thường được. Những bài học của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã cho ta thấy tác động to lớn của công tác tư tưởng đến nhường nào. Cho nên lúc này, chúng ta không thể buông lơi, xem nhẹ công tác tư tưởng. Cứ tưởng là có chính quyền rồi, có bộ máy rồi, có kinh tế rồi mà coi nhẹ công tác tư tưởng tất sẽ bị trả giá. Đành rằng làm công tác tư tưởng hiện nay, khi mà chủ nghĩa cơ hội, thực dụng đang len lỏi vào mọi cấp, mọi ngành, mọi nơi, không dễ một chút nào, nếu không nói là rất khó. Nhưng với kinh nghiệm thực tiễn, với bề dày từng trải của công tác tư tưởng, công tác xây dựng Đảng, cũng như những thành quả cách mạng mà Đảng đã đạt được, là cơ sở để công tác tư tưởng tiếp tục làm tốt vai trò lịch sử của mình trong giai đoạn mới.
Trước hết, công tác tư tưởng phải tập trung làm rõ định hướng phát triển của cách mạng nước ta trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Hiện nay, có một bộ phận không nhỏ trong cán bộ và nhân dân ta vẫn còn hiểu chưa được đầy đủ, còn hoài nghi, lo lắng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Bởi cho đến nay chưa có một mô hình cụ thể nào để thuyết phục. Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã sụp đổ, Trung Quốc, Cu Ba và cả chúng ta cũng đang trên con đường tìm kiếm. Chúng ta nhận thức rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng được áp bức, bóc lột, giải phóng được con người. Đó là mục tiêu lý tưởng. Nhưng đi đến đó bằng con đường nào, bằng cách nào là cả một quá trình tìm kiếm, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của mỗi dân tộc.
Chúng ta đã và đang thực hiện sự nghiệp đổi mới, những thành quả to lớn cũng như những khó khăn đang phải đối mặt, đã cho thấy cuộc đấu tranh cách mạng để đi đến mục tiêu, dù đã được xác định, nhưng không dễ chút nào. Cho nên công tác tư tưởng phải tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của đường lối đổi mới; giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ và ra sức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phải từ cuộc sống xã hội đang vận động theo đường lối của Đảng, phát huy năng động sáng tạo của quần chúng mà tìm ra những nhân tố mới, những mô hình để thuyết phục cũng như phát hiện những sai lầm, thiếu sót, những mặt trái, mặt yếu để ngăn ngừa.
Công tác tư tưởng phải luôn luôn hướng dư luận vào cuộc đấu tranh vì sự thành công của sự nghiệp đổi mới. Kịp thời tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phát hiện nhanh nhạy những diễn biến trong cuộc sống để biểu dương, cổ vũ những cái tốt, cũng như lên án, phê phán đúng mức những cái xấu, những cản trở, trên tinh thần ủng hộ cái mới, xây cho cái mới dành được kết quả. Sự nghiệp đổi mới đang yêu cầu sự tìm tòi và sáng tạo. Bởi có tìm tòi, sáng tạo thì mới có được cái mới. Cái mới lúc đầu thường gặp khó khăn, có khi chỉ là thiểu số, nhưng cái mới là cái chúng ta cần và chỉ có cái mới ra đời thì mới có sự phát triển.
Lúc nào cũng vậy, yêu cầu của công tác tư tưởng phải có tính chiến đấu cao. Tính chiến đấu thể hiện ở chỗ một mặt phải luôn bảo vệ sự đúng đắn, không khoan nhượng trước những biểu hiện sai trái đối với đường lối của Đảng; cần lên án kịp thời và đấu tranh triệt để với những biểu hiện đó, nhưng mặt khác cần bình tĩnh lắng nghe và tôn trọng những ý kiến trái chiều để nhận rõ hơn thực chất của đường lối đi vào cuộc sống như thế nào.
Trước nhiều vấn đề đặt ra trong sự nghiệp đổi mới, công tác tư tưởng không chỉ hiểu, chỉ thấy mà còn phải có bản lĩnh trước những cái đúng, cái sai. Phải thật sự nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng, tôn vinh những thành quả những gương tốt. Kiên quyết đấu tranh, lên án những tiêu cực đang phổ biến như bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bệnh thiếu trung thực, xu nịnh, chạy chọt, bệnh lôi kéo ê kíp, ô dù, bệnh háo danh, cục bộ, bệnh khoa trương hình thức, nói nhiều làm ít, nói một đường làm một nẻo… Trước những tiêu cực ấy thì vũ khí tư tưởng, các công cụ, các binh chủng của công tác tư tưởng cùng hiệp đồng với các mặt trận khác, các binh chủng khác cùng chiến đấu để tạo sức mạnh tổng hợp, hiệu quả. Kẻ thù lúc này không phải dàn thành trận tuyến, mà đang len lỏi trong nội bộ, đang ở trong tổ chức, đang ở khắp mọi cấp, mọi ngành, ở ngay trong bản thân ta và đang diễn biến hàng ngày, hàng giờ. Cho nên vũ khí đấu tranh tư tưởng phải rất coi trọng kết hợp giữa “xây” và “chống”, phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Bác Hồ đã dạy, muốn chống được kẻ thù đó thì “chúng ta phải ráo riết, dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau sửa chữa cho hết những bệnh ấy”. Cuộc chiến đấu này đang diễn ra trong điều kiện Đảng cầm quyền. Đảng ta đã nhận thức đầy đủ sự nguy hại của kẻ thù mới, đang tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến của Đảng, trong đó có vai trò quan trọng của công tác tư tưởng.
Phải thừa nhận rằng, công tác tư tưởng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về đường lối, đã đúc rút và tổng kết được những bài học lớn về sự nghiệp đổi mới, công tác tư tưởng đã giương cao ngọn cờ “xây và chống” và đã đạt được kết quả rất đáng hoan nghênh. Song vấn đề đặt ra là công tác tư tưởng cần làm sao tạo được sự đồng thuận cao hơn nữa trong xã hội. Đành rằng đây là việc khó, bởi hiện nay do sự phát triển đa dạng của nhiều thành phần kinh tế, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng dễ nhận ra, sự hội nhập toàn cầu đang tác động, cùng với những yếu kém của công tác quản lý và những tiêu cực trong xã hội đang làm cho nhiều người phân tâm. Bởi vì khó như thế nên Đảng phải thật sự quan tâm, phải trực tiếp làm công tác tư tưởng. Cả bộ máy Đảng, bộ máy Nhà nước, cả hệ thống chính trị cần quan tâm, làm tốt công tác tư tưởng.
Công tác tư tưởng phải đi sâu vào từng cán bộ, đảng viên, từng tổ chức cơ sở. Những vấn đề đặt ra, những mâu thuẫn phát sinh cần được bình tĩnh xử lý, cần được giải tỏa kịp thời trong từng người, từng gia đình, từng tổ chức và từng đơn vị cơ sở. Hãy nói ít làm nhiều, hãy lấy thực tế để chứng minh cho việc làm; hãy đi sâu, đi sát để lắng nghe hết ý kiến quần chúng nhân dân; hãy ra sức chăm lo đến lợi ích của dân, thực sự vì dân, vì nước mà làm việc; hãy tích cực ra tay đấu tranh với những tiêu cực và tệ nạn. Đó là những cách làm hiệu quả nhất, chứ không phải “đao to búa lớn”, cứ họp hành nói tràn lan, cứ phê phán một chiều là xong được.
Làm công tác tư tưởng lúc này muốn có hiệu quả thì làm sao “mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, mỗi việc làm phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng” như Bác Hồ đã dạy. Cần quan tâm và chăm lo đúng mức đến điều kiện hoạt động và công tác của các binh chủng và cán bộ trực tiếp làm công tác tư tưởng, như: Báo chí, văn hóa - văn nghệ, trường chính trị, các ban tuyên giáo cấp ủy và các đoàn thể. Cán bộ làm công tác tư tưởng phải là chiến sĩ thực thụ trên mặt trận này, phải chăm lo rèn luyện mọi mặt, nhất là bản lĩnh chính trị, đạo đức, phẩm chất cách mạng, phải trung thực, dũng cảm, phải “chí công vô tư”, phải luôn học tập để nâng cao trình độ cả lý luận và thực tiễn, xứng đáng là người lính tiên phong trên trận tuyến tư tưởng của Đảng.
Cần quan tâm đúng mức đến công tác tư tưởng ở cơ sở, nhất là ở chi bộ Đảng. Mỗi đảng viên, cán bộ đều được sinh hoạt ở chi bộ, đều chịu sự giám sát của cơ sở Đảng và của quần chúng. Cho nên quan tâm đến việc nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ Đảng, đề cao tự phê bình và phê bình, tăng cường gắn bó mật thiết với quần chúng, phát huy dân chủ cơ sở… đó là những biện pháp rất quan trọng và có hiệu quả của công tác tư tưởng hiện nay.
TS. Đặng Duy Báu