Nâng cao chất lượng công tác dân vận trong hoạt động hòa giải
BHG - Sáng 13.7, Ban Dân vận T.Ư phối hợp với Bộ Tư pháp, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Lê Thành Long, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vàng Seo Cón, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh |
Luật hòa giải cơ sở (HGCS) có hiệu lực từ ngày 1.1.2014. Sau 6 năm triển khai thực hiện đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và địa phương đều ban hành các nghị định, kế hoạch triển khai thực hiện; công tác quản lý Nhà nước về HGCS được hình thành đồng bộ từ T.Ư đến địa phương; đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Đến nay, cả nước có 96.605 tổ HGCS với trên 600.460 hòa giải viên. Giai đoạn 2014 – 2019, các tổ HGCS trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ, việc, trong đó có 707.945 vụ, việc hòa giải thành công, đạt tỷ lệ 80,9%; kỹ năng, nghiệp vụ HGCS được nâng lên thông qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn và tổ chức thi hòa giải viên giỏi; nhiều mô hình hòa giải hiệu quả ở cơ sở được nhân rộng. Năm 2019, các địa phương bố trí hơn 35 tỷ đồng cho công tác HGCS.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai nhấn mạnh: Hoạt động hòa giải đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, là cách thức được lựa chọn để giải quyết xích mích giữa các cá nhân, gia đình trong cộng đồng dân cư, tăng cường tình làng, nghĩa xóm, mối liên kết tình cảm của văn hóa làng xã. Thực tế cho thấy, hòa giải là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan hành chính và tư pháp. Các nghị quyết của Bộ Chính trị, BCH T.Ư Đảng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hòa giải. Qua 6 năm thi hành, Luật HGCS đã đi vào nề nếp, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột một cách nhân văn, ít tốn kém, hiệu quả bền vững. Các tổ hòa giải, hòa giải viên tiêu biểu ở cơ sở đã khẳng định không thực hiện vận động tốt thì không thể hòa giải thành công. Quá trình hòa giải là quá trình tuyên truyền, vận động, nêu cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, ý thức chấp hành pháp luật, gắn với lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; tạo sự đồng thuận, giải tỏa được vướng mắc, mâu thuẫn. Quá trình đó cũng là quá trình phối hợp nhịp nhàng giữa MTTQ Việt Nam, ngành Tư pháp, Tòa án, các cơ quan, tổ chức với chính quyền cơ sở. Trưởng Ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai cũng đề nghị các cấp ủy tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ hòa giải hoạt động hiệu quả.
Tin, ảnh: AN GIANG