Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam và triển khai Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị
BHG - Sáng 22.7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế T.Ư và Chính phủ đồng chủ trì khai mạc Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam năm 2020 và triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố và đại biểu quốc tế. Các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo một số ban, bộ ngành T.Ư đồng chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Hà Giang có đồng chí Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn tại điểm cầu Hà Giang. |
Nghị quyết 55, ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị ra đời vào năm cuối cùng trong kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, là thời gian Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển trong 10 năm tới nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế, Việt Nam bắt đầu chuyển biến và dần phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, do đó cần phải có chiến lược mới về năng lượng đặt chung trong chiến lược phát triển KT - XH và phù hợp với chuyển biến chung của toàn cầu. Nội dung nghị quyết có nội hàm sâu rộng, có những đột phá trong phát triển năng lượng, như: Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá; cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả…
Tại diễn đàn đã thông qua Chương trình hành động của Chính phủ về triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Đại diện các bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương, các chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp năng lượng đã tập trung phân tích, làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong việc phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về những khó khăn trong việc triển khai dự án năng lượng tái tạo. Cụ thể như ở những địa phương được định hướng phát triển điện mặt trời, nếu không có chính sách tốt thì sẽ không đảm bảo sinh kế, việc làm cho người dân của các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án điện. Việc đào tạo nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình chuyển dịch ở các địa phương còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu của thị trường…
Lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương, các chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp đã đề xuất một số giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong phát triển năng lượng của các địa phương cũng như các giải pháp về cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng quốc gia; đầu tư hạ tầng năng lượng, ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường… Tại diễn đàn đã có một số biên bản ghi nhớ, hợp tác được ký kết giữa các bộ, ngành, tỉnh thành với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên lĩnh vực năng lượng.
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG