Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo tỉnh
BHG - Chiều 14.7, đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nắm bắt tình hình GD&ĐT, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả triển khai sách giáo khoa (SGK) mới. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV, đơn vị tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) thi cấp tỉnh năm 2020; lãnh đạo các sở, ngành thành viên BCĐ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc. |
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, toàn tỉnh có 29 điểm thi (tăng 9 điểm thi so với năm 2019) với 5.639 thí sinh. Công tác chuẩn bị có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các sở, ngành, đoàn thể chủ động, tích cực phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Sở GD&ĐT tích cực tham mưu các giải pháp đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, tuân thủ pháp luật. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành đã sẵn sàng, tự tin, trách nhiệm cao thực hiện các nhiệm vụ. BCĐ các huyện, thành phố bám sát các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Các cơ sở giáo dục có học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo theo quy chế thi. Đến nay, toàn bộ các nội dung công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện đều được triển khai kịp thời, đáp ứng yêu cầu, tiến độ theo quy định.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc. |
Về triển khai SGK mới, các cơ sở giáo dục Tiểu học đã thực hiện đúng quy trình lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020 – 2021 đảm bảo tiến độ, công khai, minh bạch; có 218 trường thực hiện lựa chọn SGK mới; phối hợp bồi dưỡng SGK lớp 1 cho 2.563 cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 năm học 2020 – 2021; xây dựng khung chương trình tài liệu giáo dục địa phương cấp Tiểu học và bản thảo tài liệu giáo dục địa phương lớp 1; tổ chức dạy thực nghiệm về tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 1. Tuy nhiên, tỉnh còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên; để bảo đảm định mức tối đa 1,5 giáo viên/lớp cho dạy học 2 buổi/ngày, tỉnh thiếu 951 giáo viên; cơ sở vật chất còn thiếu, đặc biệt là hệ thống nhà lưu trú cho học sinh, giáo viên, các công trình nhà bếp, nước sạch và vệ sinh cho các trường…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm hỏi tình hình học tập của học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh luôn quan tâm tới công tác GD&ĐT. Để đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra an toàn, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị BCĐ thi cấp tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo đúng quy định, quy chế thi; rà soát các điểm thi; thực hiện một cách nghiêm túc công tác coi thi, chấm thi; có giải pháp ôn thi chất lượng; đảm bảo an toàn tuyệt đối trong các khâu tổ chức kỳ thi. Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, giúp đỡ tỉnh, nhất là quan tâm tới giáo dục từ bậc học Mầm non; hỗ trợ tập huấn, đào tạo; quan tâm đầu tư nguồn lực hỗ trợ tỉnh phát triển giáo dục; xem xét thay đổi một số môn thi, nhất là môn ngoại ngữ, cho phù hợp với đặc thù vùng cao…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tặng phòng máy vi tính cho Trường THPT Lê Hồng Phong. |
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và kết quả triển khai chương trình SGK mới trên địa bàn. Bộ trưởng cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới chính là đảm bảo an toàn. Do đó, BCĐ thi của tỉnh cần liên hệ chặt chẽ với BCĐ thi T.Ư, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng; gắn trách nhiệm của cán bộ coi thi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đặc biệt lưu ý đến việc bảo mật đề thi, bài thi; phối hợp đảm bảo học sinh dự thi đầy đủ khi xảy ra các tình huống bất thường; có phương án vận chuyển đề thi và bài thi an toàn; bố trí phối hợp thực hiện nhiệm vụ thanh tra một cách hiệu quả, tránh chồng chéo; tăng cường thông tin, tuyên truyền về kỳ thi; có chiến lược truyền thông một cách bài bản, nhân rộng mô hình mới, hiệu quả; cân đối ngân sách đầu tư cho giáo dục; kêu gọi đầu tư, xã hội hóa giáo dục và tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục chỉ đạo tập huấn giáo viên sử dụng SGK mới; phối hợp với Bộ GD&ĐT để có tư vấn trong xây dựng tài liệu giáo dục địa phương; quan tâm đào tạo đội ngũ giáo viên, trong đó cần xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên các cấp; rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp cho phù hợp và có phương án sửa chữa hiệu quả.
Tin, ảnh: KIM TIẾN