Nhà báo Hồ Chí Minh
BHG - Hồ Chí Minh là nhà báo lớn, không chỉ là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, mà Người còn là một cây bút sắc sảo, một nhà báo quốc tế.
Bác Hồ đọc Báo Nhân dân |
Từ những năm 20 - 30 của thế kỷ trước, Người đã trực tiếp viết rất nhiều bài báo đăng ở các báo và tạp chí của các nước như Pháp, Nga, Trung Quốc… Hồ Chí Minh là người sáng lập ra một số tờ báo ở ngoài nước và trong nước, trong đó có tờ báo Thanh niên, là tờ báo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. Qua tư liệu và các thông tin từ thực tiễn cùng với việc lăn lộn trong giới công - nông, với các tầng lớp trong xã hội, Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện ra ở đâu cũng có kẻ áp bức và người bị áp bức. Đó là một thực tế, là chất liệu sống để Người viết ra những bài báo bênh vực lớp người khốn khổ dù họ là dân tộc nào, màu da gì, nhưng vào thời điểm đó, do bị nhà cầm quyền Pháp bưng bít thông tin nên người dân Pháp hiểu rất ít về Việt Nam, về Đông Dương, họ chỉ biết chung chung có một “xứ An Nam, xứ Đông Dương đâu đó trên thế giới”! Để cho người dân Pháp biết rõ sự thật ở Việt Nam, Người đã dùng phương tiện truyền thông là báo chí. Người đã viết nhiều bài báo tố cáo thực trạng ở Việt Nam, ở Đông Dương đăng trên các báo “Đời sống thợ thuyền”; “Nhân loại”…
Thấy được vị trí của báo chí là một công cụ, là vũ khí đấu tranh cách mạng, nên từ một người hoạt động cách mạng Người đã đến với báo chí. Năm 1922, Người đã lập ra tờ báo “Người cùng khổ”, một tờ báo cách mạng mang tính quốc tế nhằm thông tin cho thế giới biết về nỗi cơ cực của người lao động và sự áp bức bóc lột của giai cấp thống trị. Số báo đầu tiên của báo “Người cùng khổ” ra mắt bạn đọc vào ngày 1.4.1922 được viết bằng ba thứ tiếng Pháp, Trung Quốc và Ả Rập. Thật là đặc biệt, Hồ Chí Minh vừa là chủ bút, vừa làm biên tập, vừa là phóng viên, là tác giả của nhiều bài viết ở nhiều thể loại, trong đó có nhiều bức tranh và bài viết châm biếm. Báo “Người cùng khổ” qua tay các thủy thủ vượt đại dương được đưa về truyền bá trong nước, góp phần khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân ta.
Năm 1924, Hồ Chí Minh về Quảng Châu (Trung Quốc) mở các lớp huấn luyện cho thế hệ cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam, thành lập tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” và cho ra đời tờ báo “Thanh niên” cơ quan ngôn luận của Hội. Báo “Thanh niên” số ra đầu tiên vào ngày 21.6.1925, đến tháng 4.1927 đã ra được 88 số bằng tiếng Việt. Tháng 12.1926, Người lập ra báo “Công nông”, tháng 2.1927 Người lập ra báo “Lính cách mệnh” (tiền thân báo Quân đội Nhân dân). Những tờ báo do Người sáng lập đều có tiêu chí chung là lên án chủ nghĩa thực dân, kêu gọi đồng bào đứng lên đấu tranh giành độc lập; là công cụ để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng đối với các dân tộc thuộc địa; chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập một Đảng cộng sản kiểu mới ở Việt Nam có đủ năng lực và bản lĩnh lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh đổ ách áp bức của thực dân Pháp và phong kiến giành độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân, đưa đất nước Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng mười Nga, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Hồ Chí Minh là người sáng lập ra “Tạp chí đỏ” xuất bản từ tháng 6.1930, là người góp phần quan trọng trong việc chỉ đạo và viết bài cho các báo của Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật như báo “Búa liềm”, “Tranh đấu”… Đầu năm 1941, Hồ Chí Minh về nước, chỉ đạo Hội nghị Trung ương đề ra đường lối chiến lược với mục tiêu hàng đầu của cách mạng là giành độc lập dân tộc. Thành lập “Mặt trận Việt Minh”, lập ra tờ báo “Việt Nam độc lập” và báo “Cứu quốc”. Các tờ báo này là cơ quan ngôn luận góp phần rất quan trọng trong việc thức tỉnh tinh thần yêu nước của đồng bào cả nước đứng lên đấu tranh trong giai đoạn khó khăn của cách mạng ở thời kỳ tiền khởi nghĩa và đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951, Báo Sự thật được chuyển thành báo Nhân dân (số ra đầu tiên ngày 11.3.1951) là cơ quan ngôn luận chính thức, gần gũi, sâu rộng và thiết thực đối với đông đảo quần chúng. Hồ Chí Minh là người cộng tác viên rất đặc biệt của báo Nhân dân. Chỉ tính từ tháng 3.1951 đến tháng 6.1969 báo Nhân dân đã đăng 1.205 bài viết của Người với 23 bút danh khác nhau.
Từ khi xuất dương đi tìm đường cứu nước cho đến giây phút cuối cùng của đời mình, bên cạnh vai trò là một nhà lãnh đạo cách mạng lỗi lạc, Hồ Chí Minh còn là một nhà báo sắc bén và gần gũi với mọi người. Người không có thẻ nhà báo, nhưng Người là một nhà báo vĩ đại. Đối với Người, việc cầm bút viết báo cũng là việc cầm vũ khí để chiến đấu của người làm cách mạng. Thật là tự hào cho đội ngũ những người làm báo Việt Nam, có được một người đồng nghiệp là nhà báo Hồ Chí Minh. Và hôm nay, chúng ta đang học tập được rất nhiều điều ở Người, từ sự nghiệp làm báo cách mạng, cho đến những điều cụ thể về nghiệp vụ báo chí như mục đích viết, phong cách viết, nội dung viết, tính trung thực, tính khách quan, tính quần chúng và đặc biệt là động cơ, ý thức và đạo đức người làm báo. Đây chính là tài sản vô giá mà nhà báo Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ làm báo của chúng ta.
Đặng Duy Báu