Quốc hội thảo luận giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em
BHG - Ngày 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội dành một ngày làm việc để tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Nga trình bày tóm Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và xem phim tư liệu về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, các đại biểu Quốc hội đánh giá tình hình xâm hại trẻ em, phân tích và đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua, phân tích nguyên nhân của những kết quả và hạn chế, xác định trách nhiệm và bài học kinh nghiệm; đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Các đại biểu cũng góp ý cụ thế đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Toàn cảnh phiên họp |
Tại hội nghị thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có điều tra khoa học bài bản thống kê số liệu trẻ em xâm hại trong thời gian qua, bao gồm trẻ em bị bạo lực, bóc lột, xâm hại, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc… và các hình thức gây tổn hại khác theo Luật Trẻ em để dự báo tình hình xâm hại trẻ em trong tương lại cũng như phục vụ công tác xây dựng chính sách trong giai đoạn tới. Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ khẩn trương lồng ghép kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống xâm hại trẻ em như là một hợp phần quan trọng của chương trình quốc gia. Trong đó, đưa ra chỉ tiêu cụ thể trong việc giảm thiểu số lượng trẻ em bị xâm hại cùng các giải pháp theo lộ trình và có phân công trách nhiệm cụ thể cho cơ quan tổ chức hữu quan.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng chưa được quan tâm, chưa hiệu quả. Một số tội danh, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, nhiều khi không tương xứng với hành vi sai phạm. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp chưa hiệu quả, có hiện tượng phó mặc cho ngành thương binh xã hội và ngành giáo dục, mặc dù đã có quy định rõ ràng trong Luật Trẻ em cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp, đa phần sự việc xảy ra là nhiệm vụ của cơ quan tư pháp, nhất là của công an.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang dự tại điểm cầu Hà Giang |
Nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng với hầu hết là clip bạo lực, xâm hại tình dục. Kết quả khảo sát cho thấy 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số em gái cao gấp 3 lần số trẻ em nam. Qua nghiên cứu các vụ án thấy rằng, với công nghệ mạng thì chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay. Nếu các vụ xâm hại ở ngoài xã hội chỉ vài người chứng kiến thì xâm hại đưa lên mạng thì hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cả đời. Trong khi đó, đối với công tác điều tra tội phạm mạng, đối tượng tội phạm xuyên biên giới, các đối tượng phạm tội hầu hết đều thành thạo công nghệ. Thông tin về kẻ phạm tội đều là ảo, mạo danh. Do đó, các nước đều phản ánh gặp khó khăn trong điều tra tội phạm này và còn nhiều kẻ phạm tội trẻ em còn đang nhởn nhơ trên mạng xã hội.
Nhiều đại biểu cho rằng thời gian tới, cần tập trung một số giải pháp. Theo đó, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em; nghiên cứu, đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em; mở rộng hình thức phạt như thiến hoá học, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại… để răn đe đối tượng xâm hại, tránh đối tượng tái phạm.
Các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu để có cơ chế phối hợp trong quá trình lấy lời khai của trẻ bị xâm hại, cần có mặt của bác sĩ tâm lý, người giám hộ, có thể ghi hình để làm bằng chứng trước khi tòa xét xử. Cần bố trí các phòng xử án thân thiện, bảo đảm giữ kín danh tính cho trẻ em bị xâm hại; trong quá trình đưa tin, báo chí cũng cần cẩn trọng trong quá trình đưa tin nhằm tránh làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Bên cạnh đó, cần tập huấn thường xuyên cho đội ngũ điều tra, kiểm sát, xét xử về nghiệp vụ, kỹ năng làm việc với trẻ em; đặc biệt, cần phải thống nhất quan điểm, lý do biện hộ cho hành vi xâm hại trẻ em như do nạn nhân ăn mặc hở hang hay do uống rượu say… Cần bổ sung quy định trong Luật Giám định tư pháp, cần quy định theo hướng việc giám định tư pháp với những vụ việc xâm hại trẻ em cần đặc biệt được quan tâm.
*Trước đó, trước phiên giám sát tối cao của Quốc hội một ngày Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 23/CT-TTg tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em...
Đ.T (Tổng hợp theo: quochoi.vn)
Ý kiến bạn đọc