Những "địa chỉ đỏ" lưu dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dừng chân, sống và làm việc
Nhiều địa danh, ngôi nhà đã trở thành “địa chỉ đỏ” - di sản của các địa phương lưu dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dừng chân, sống và làm việc.
1. Quê ngoại: Làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Làng Hoàng Trù còn gọi là làng Chùa. Đây là quê hương của mẹ Bác Hồ - cụ Hoàng Thị Loan, cũng chính là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc - cha của Bác Hồ được ông bà ngoại của Bác Hồ nhận nuôi dưỡng, giáo dục thành tài. Cũng chính tại nơi này, cha mẹ Bác Hồ nên duyên vợ chồng và sinh ra ba người con ưu tú, trong đó có một người con kiệt xuất nhất của dân tộc, đó chính là Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ kính yêu của chúng ta, sinh ngày 19-5-1890.
2. Quê nội: Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Ngôi nhà lá 5 gian được dân làng Sen dựng lên để mừng cụ Nguyễn Sinh Sắc khi đỗ phó bảng khoa thi Hội năm 1901. Cụ Nguyễn Sinh Sắc dành hai gian để đặt bàn thờ cụ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc với bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư, nơi để cụ dạy các con học chữ và cũng là nơi cụ mời bà con ngồi uống nước trà xanh vào các buổi tối. Nơi đây gắn liền với tuổi thơ của Bác Hồ những năm 1901-1906.
3. Trường Quốc học Huế
Tháng 5-1906, cụ Nguyễn Sinh Sắc nhận chức Thừa biện Bộ Lễ. Nguyễn Tất Thành theo cha, vào Huế sống và học tập. Bác thông minh, ham học và học giỏi, là một trong mười học sinh giỏi nhất trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba trong kỳ thi vượt cấp vào học trường Quốc học niên khóa 1908-1909.
Tại trường Quốc học, Bác tiếp thu văn minh phương Tây và hiểu rõ hơn bản chất thực dân Pháp. Cùng thời kỳ đó, phong trào yêu nước do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can... khởi xướng đã tác động rất lớn đến nhận thức, Bác đã tham gia làm liên lạc và vận động bạn cùng lớp ủng hộ các tổ chức yêu nước, đánh dấu bước khởi đầu cho sự nghiệp đấu tranh yêu nước của Bác để Người quyết định ra nước ngoài tìm đường cứu nước.
4. Bến Nhà Rồng, phường 12, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 5-6-1911 tại bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành 21 tuổi đã lên tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) với sứ mệnh tìm đường cứu nước. Xin làm phụ bếp với tên gọi mới là Văn Ba, Bác theo con tàu đi qua nhiều nước với mong muốn duy nhất là tìm một lối đi mới cho dân tộc mình. Và Bác đã tìm được con đường cách mạng đúng đắn, làm nên những thắng lợi vang dội, chấn động địa cầu, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, mở ra những trang sử huy hoàng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
5. Khu di tích lịch sử Pác Bó, xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng
Đây là địa điểm gắn với hoạt động của Bác Hồ giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng (1941-1945). Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc (tên của Bác Hồ) cùng 5 đồng chí về nước, ở tại nhà ông Lý Quốc Súng, sau đó chuyển vào hang Cốc Bó, hang Lũng Lạn và lán Khuổi Nặm. Nơi đây đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước.
Trong thời gian ở đây, Bác đã biên soạn nhiều tài liệu, đặc biệt là bức thư Kính cáo đồng bào (ngày 6-6-1941) kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh kẻ thù chung là thực dân Pháp, phát xít Nhật và Việt gian, giành độc lập, tự do.
6. Khu di tích lịch sử Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang
Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc, cũng là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 4-5-1945, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ rời Pác Bó về Tân Trào để chỉ đạo, tập hợp quốc dân tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Khu di tích lịch sử này bao gồm 18 di tích và cụm di tích tiêu biểu, trong đó có Cụm di tích Nà Lừa có lán Nà Lừa - nơi Bác Hồ ở và làm việc (từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945), đình Hồng Thái là địa điểm dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi từ Pác Bó về Tân Trào (ngày 21-5-1945) và đình Tân Trào là nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17-8-1945).
7. Ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị An tại làng Phú Thượng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Đây là nơi dừng chân của Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội ngày 23-8-1945 để chuẩn bị ra mắt quốc dân đồng bào.
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị An vốn là cơ sở cách mạng, từng nuôi dưỡng và bảo vệ nhiều đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Bạch Thành Phong… Tại đây, Bác Hồ đã làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh.
Sau đó, gia đình bà Nguyễn Thị An còn vinh dự được đón Bác Hồ về thăm vào năm 1946.
8. Ngôi nhà của gia đình ông Trịnh Văn Bô tại 48 Hàng Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ngôi nhà có hai lối vào từ 48 Hàng Ngang và 35 Hàng Cân, lại là cơ sở cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa nên đã được Trung ương Đảng chọn làm nơi Bác Hồ ở và làm việc trong những ngày đầu từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội (từ ngày 25-8-1945 đến đầu tháng 9-1945).
Bác Hồ cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về thể chế, thành phần Chính phủ mới, về tổ chức ngày lễ Độc lập… Tại căn phòng ở gác 2, Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
9. Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương tại làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội
Trong những ngày chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc tại đây (từ ngày 3 đến 19-12-1946).
Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 và cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cách mạng quan trọng. Trong hai ngày 18 và 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Người soạn thảo.
10. Khu di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên
Với địa thế hiểm yếu về mặt quân sự, lại là cơ sở của những người yêu nước và lực lượng cách mạng sớm được gây dựng, phát triển từ những năm 1936-1939 nên Định Hóa được coi là “Thủ đô kháng chiến”.
Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng nền độc lập tự do của đất nước bị đe dọa bởi thực dân Pháp xâm lược, Định Hóa lại tiếp tục được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm trung tâm của ATK Việt Bắc trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ (1946-1954).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc ở đồi Khau Tý, xóm Nạ Tra, xã Điềm Mặc (từ tháng 2 đến 10-1947) và đặc biệt tại căn lán Tỉn Keo (xã Phú Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị vào cuối tháng 9-1953 quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
11. Khu di tích Phủ Chủ tịch
Khu di tích Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong 15 năm cuối đời (1954-1969).
Trước đây, nơi này là Phủ Toàn quyền Đông Dương. Ngày tiếp quản Thủ đô 10-10-1954, Đảng, Nhà nước đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về đây nhưng Bác chọn ngôi nhà nhỏ của người thợ điện (nay là Nhà 54) làm nơi ăn, nghỉ, làm việc. Tòa nhà chính dành cho Đảng, Nhà nước tiếp khách.
12. Nhà sàn Bác Hồ
Sau 4 năm ở tạm trong Nhà 54, tháng 5-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức chuyển sang ở trong ngôi nhà sàn 2 tầng bằng gỗ, nằm trong vườn cây Phủ Chủ tịch, bên cạnh hồ nước nhỏ, được thiết kế theo yêu cầu của Bác với phương châm giản tiện nhất có thể.
Ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị đã trở thành biểu tượng của phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh.
13. Khu di tích K9 Ba Vì, Hà Nội
Khu Di tích K9 trong quần thể dãy núi Ba Vì, ẩn mình trong rừng cây rậm rạp. Trong những năm chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã lên khu K9 làm việc và nghỉ ngơi (1960-1969).
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác (1969-1975). Để giữ bí mật, K9 đổi thành K84.
Theo: Hanoimoi.vn
Ý kiến bạn đọc