Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế
BHG - Sáng 9.5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với doanh nghiệp (DN), bàn về các giải pháp cùng nỗ lực, vượt thách thức và đón thời cơ phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid - 19. Hội nghị được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Có khoảng 800.000 DN trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước theo dõi. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và đại diện một số DN trên địa bàn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. |
Các báo cáo tại hội nghị cho thấy: Việt Nam không nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19. Lực lượng DN là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, hiện đang bị tổn thương nặng nề. Các DN phải đối mặt với khó khăn “kép”: Vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu sụt giảm; nhiều DN đã phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất. Qua khảo sát nhanh gần 130.000 DN, có khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019; có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh…
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang. |
Đối với tỉnh ta, dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của từng DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh. Theo báo cáo, có 135 đơn vị với tổng số 1.878 lao động bị ảnh hưởng; tổng thiệt hại ước tính khoảng 628,99 tỷ đồng. Dịch Covid – 19 cũng ảnh hướng lớn đến KT – XH của tỉnh. Trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn giảm 7,6% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 69 triệu USD, giảm 42,16 % so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 12% so với cùng kỳ…
Hội nghị đã tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính gồm: Đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN; đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương ban hành nhằm hỗ trợ DN ứng phó với dịch bệnh; nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới, khuyến khích DN tái cấu trúc, chủ động sáng tạo, thích ứng với hoàn cảnh mới; các bộ, ngành, địa phương, DN nêu sáng kiến, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng về các giải pháp cần thiết để hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Sau khi lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN, hiệp hội, đại diện các bộ, ngành đã có những ý kiến giải đáp, cụ thể: Bộ Tài chính giải pháp, đề xuất chính sách trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí; Ngân hàng Nhà nước về tín dụng, lãi suất hỗ trợ DN; Văn phòng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, do đó phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %.
Thủ tướng nhấn mạnh, tại hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng của các ban ngành, hiệp hội DN; các cơ quan liên quan cần lắng nghe để Chính phủ có giải pháp tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển. Thủ tướng đề nghị cộng đồng DN, các bộ, ngành liên quan cùng nhau chia sẻ, hợp tác và quyết tâm cao để đóng góp cho sự phát triển đất nước, phát triển của bản thân DN và giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành cần "xắn tay" vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho DN. “Một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn càng được hun đúc, một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một tinh thần dám đổi mới kiến tạo phát triển, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển tăng tốc hơn nữa” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc