Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang đóng góp ý kiến vào chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
BHG - Tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 27.5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch, Quốc hội đã thông qua báo cáo và thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Vương Ngọc Hà, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang, các ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang, đại diện một số sở ngành, đoàn thể của tỉnh.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà phát biểu trực tuyến tại điểm cầu Hà Giang. |
Tại kỳ họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đoàn giám sát đã chỉ ra kết quả đạt được và những hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phát luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em. Đa số các đại biểu đều bức xúc với vấn nạn xâm hại trẻ em và đề nghị xử lý nghiêm minh, không bỏ sót tội phạm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phát hiện, xử lý đối tượng xâm hại.
Phát biểu trực tuyến tại kỳ họp, đồng chí Vương Ngọc Hà, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: Hiện nay tỷ lệ tảo hôn, tình trạng xâm hại và mua bán trẻ em trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất đáng lo ngại. Đồng chí đề xuất một số giải pháp, kiến nghị với các cấp, các ngành nhằm từng bước giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải được cụ thể hóa, phù hợp với nhận thức của bà con dân tộc, ngắn gọn, dễ hiểu; việc tuyên truyền phải tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động. Tăng cường trách nhiệm của Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, bản trong việc vận động người dân thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; vận động xóa bỏ nạn tảo hôn bằng cách phát huy vai trò các nghệ nhân dân gian. Đồng chí cũng đề xuất Bộ Công an, Bộ Quốc phòng lựa chọn các cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở phải có trình độ, kinh nghiệm, nhất là kỹ năng thực hiện biện pháp vận động quần chúng, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào. Đồng thời, triển khai các biện pháp nghiệp vụ một cách hiệu quả, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện, tiếp nhận tin báo tố giác về hành vi xâm hại trẻ em. Làm công tác hỗ trợ điều tra ban đầu, bảo vệ nguồn chứng cứ và xử lý linh hoạt các tình huống, tránh bỏ lọt tội phạm…
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc