Đảng bộ tỉnh tăng cường lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương
BHG - Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự (QP-QS) địa phương là nội dung rất quan trọng được Đảng bộ tỉnh tập trung quan tâm lãnh, chỉ đạo xuyên suốt, thường xuyên, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng – an ninh (QP-AN), tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bền vững.
Hà Giang có trên 277 km đường biên giới, trải dài qua địa bàn 7 huyện biên giới. Là vùng “địa đầu”, “phên dậu” của Tổ quốc, cửa ngõ phía Bắc của đất nước. Tỉnh có 19 dân tộc cùng chung sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm 32,18%; trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao; địa hình vùng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; hoạt động lao động qua biên giới, buôn bán người, buôn lậu, vi phạm chủ quyền biên giới diễn biến phức tạp… Song, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tạo được sự phát triển về mọi mặt. Nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của tỉnh đạt 6,85%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân. Đạt được những kết quả đó là do Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả trên các mặt công tác; trong đó, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ QP-QS địa phương là một trong những nội dung trọng tâm, quan trọng hàng đầu.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đảng ủy Quân sự tỉnh ra Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và xây dựng Đảng năm 2020. |
Thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới”, Luật Giáo dục QP-AN và các quy định hiện hành. Hàng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ QP-QS địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng trong tỉnh ra nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ QP-QS ở từng cấp cụ thể; thường xuyên kiện toàn Hội đồng Giáo dục QP-AN các cấp đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra về đường lối QP-QS của Đảng trong tình hình mới; chú trọng tổ chức tốt việc quán triệt, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và toàn dân về hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để kích động, chia rẽ cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang với đồng bào các dân tộc để chúng dễ bề chống phá; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân đối với nhiệm vụ QP-QS trên địa bàn; tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác giáo dục QP-AN cho các đối tượng... Qua đó, đã làm chuyển biến vững chắc cả về nhận thức và hành động của các tổ chức, lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ QP-QS địa phương; tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức bảo vệ Tổ quốc của nhân dân không ngừng được nâng cao; niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương được củng cố và phát huy; “ý Đảng”, “lòng dân” hòa quyện làm một, ngày càng tỏa sáng trên vùng biên cương địa đầu Tổ quốc. Công tác giáo dục QP-AN được các địa phương duy trì có nề nếp, tổ chức chặt chẽ theo phân cấp; nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục thường xuyên được đổi mới, cập nhật kiến thức thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng đạt 100% chỉ tiêu (tăng 21,7% so với nghị quyết nhiệm kỳ 2010 - 2015). Trong đó, Hà Giang rất chú trọng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng là già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng dân tộc, tôn giáo đảm bảo cho họ có năng lực, trình độ, từ đó làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác QP-QS trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp nhân dân thôn Nhìu Sang, xã Xín Chải tu sửa Nhà văn hóa thôn. Ảnh: Tư liệu |
Công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo đúng luật, sát với tình hình thực tiễn của tỉnh. Đăng ký, quản lý, sắp xếp quân nhân hoàn thành nghĩa vụ vào nguồn dự bị động viên; tỉ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự 75%, đạt 100% nghị quyết nhiệm kỳ. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo phương châm “Vững mạnh, rộng khắp”, tỷ lệ đạt 2% dân số. 100% đầu mối các cơ quan, doanh nghiệp trong toàn tỉnh đều tổ chức lực lượng tự vệ. Lực lượng dự bị động viên xây dựng theo hướng “Vững mạnh, hùng hậu” và được đăng ký, quản lý chặt chẽ theo Pháp lệnh; hằng năm phúc tra, đăng ký, sắp xếp, biên chế 100% đầu mối các đơn vị, quân số đạt 95,7%. Đảng ủy Quân sự tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các ban, ngành chức năng cấp trên và địa phương, thực hiện tốt việc tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của chi bộ quân sự cấp xã, phường, thị trấn. Hiện nay, 100% chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn được tổ chức, hoạt động có nền nếp, phát huy tốt vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ QP-QS ở cơ sở. Công tác tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu, bảo đảm chất lượng; gắn với tạo nguồn cán bộ cơ sở, làm tốt công tác tuyển sinh quân sự. Đồng thời, nhiều địa phương trong Tỉnh có nhiều mô hình tiêu biểu giúp quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương phát triển kinh tế như: Mô hình tặng bò giống; cho vay vốn không lãi suất, dịch vụ homestay...
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện tân binh năm 2020 và thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của Trung đoàn 877. Ảnh: tư liệu |
Để xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh, giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ QP-QS địa phương tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ quan quân sự các cấp vững mạnh, làm tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác QP-QS trên địa bàn. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở. Các đơn vị thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ lệnh sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của trên, kế hoạch huấn luyện, diễn tập; rà soát, bổ sung hệ thống các văn kiện, kế hoạch tác chiến theo các tình huống và kế hoạch phòng, chống khủng bố, cháy rừng, bão, lụt, cứu hộ, cứu nạn; tăng cường luyện tập các phương án, nâng cao trình độ SSCĐ, trình độ tổ chức chỉ huy, xử lý tình huống của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp và khả năng SSCĐ của các phân đội. Lãnh đạo tổ chức tốt các cuộc diễn tập theo kế hoạch đề ra, đảm bảo chất lượng, an toàn tuyệt đối. Thông qua đó, các lực lượng đã có bước chuyển biến căn bản trong nhận thức về nhiệm vụ QP-QS; nâng cao khả năng vận hành cơ chế hoạt động khu vực phòng thủ theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Các lực lượng: Quân sự, công an, biên phòng đã phối hợp thực hiện có hiệu quả các nội dung theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP (nay là nghị định số 03/NĐ-CP) của Chính phủ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QP-QS, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn đề cao vai trò tham mưu của cơ quan quân sự các cấp trong dự báo tình hình, đề xuất các biện pháp giải quyết những vụ việc nảy sinh, nhất là trên tuyến biên giới và các khu vực trọng yếu, không để xảy ra các “điểm nóng”. Ngoài ra, lực lượng vũ trang tỉnh còn tích cực tham gia phong trào “Lực lượng vũ trang Hà Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; tham gia ngày công sửa chữa, làm mới trên 60 km đường giao thông liên thôn, 45 km kênh mương nội đồng, huy động trên 37.000 ngày công tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng. Đã phối hợp tham gia xây dựng trên 1.500 nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới (nhân dịp Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh lần thứ XII, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức tu sửa, xây dựng 2 nhà văn hóa thôn; đóng góp ủng hộ xây dựng 3 nhà ở cho cựu chiến binh nghèo). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% năm 2015 xuống còn 22,6%,... tạo được niềm tin yêu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, góp phần xây dựng “Thế trận lòng dân” vững chắc.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Thiếu tướng Nguyễn Sơn Hà, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2 tặng hoa tiễn các tân binh lên đường nhập ngũ. Ảnh: Tư liệu |
Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh Hà Giang luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp phát triển KT-XH với xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Chỉ đạo các địa phương cùng với phát triển các dự án kinh tế, phải quan tâm đầu tư cho QP-AN. Ngoài nguồn kinh phí trên cấp, hằng năm, tỉnh và các địa phương đã trích một khoản ngân sách để đầu tư xây dựng căn cứ chiến đấu và một số công trình quan trọng trong khu vực phòng thủ, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QP-AN, đồng thời phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển KT-XH. Hiện nay, tỉnh đang tích cực nhân rộng mô hình “Cánh rừng dân quân” trong phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với nhiệm vụ QP-AN. Kết quả, 100% các cụm tuyến an toàn, làm chủ - SSCĐ trong tỉnh đều hoạt động có hiệu quả; khả năng phòng thủ của các lực lượng trên địa bàn tuyến biên giới và các địa bàn trọng yếu được nâng cao; công tác quản lý đất quốc phòng được tiến hành chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là những khu vực bị chồng, lấn, để thực hiện Đề án Quy hoạch xây dựng các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ.
Phát huy kết quả đạt được và truyền thống quê hương cách mạng, những năm tới, Hà Giang tổ chức tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ QP-QS địa phương, đảm bảo mỗi bước phát triển KT-XH là một bước tăng cường sức mạnh để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QP-QS địa phương trong thời bình và sẵn sàng chuyển thành sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc khi có tình huống xảy ra. Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân, trọng tâm là xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia, phòng chống có hiệu quả âm mưu chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững sự ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh. Tập trung lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, sẵn sàng ứng phó thắng lợi với mọi tình huống xảy ra; tích cực tham gia các chương trình phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng bộ Quân sự tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, các quy định, quy chế làm việc của cấp ủy; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong gương mẫu, có trình độ, năng lực thực tiễn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Hà Giang phát triển nhanh và bền vững.
Đặng Quốc Khánh
(Ủy viên Dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH
khóa XIV, đơn vị tỉnh Hà Giang, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh)
Ý kiến bạn đọc