Người phất cờ giải phóng tại Dinh Độc Lập
Ngày 30/4/1975, sau khi xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, lực lượng đặc công cũng đã có mặt tại đây. Và ông Phạm Duy Đô, đại đội trưởng đơn vị đặc công đã lên tầng hai Dinh Độc Lập, rồi ra ban công phất cờ chiến thắng, làm tín hiệu cho bộ đội ta tiếp tục tiến vào…
Đại đội trưởng đặc công Phạm Duy Đô (cầm cờ) trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử. |
Định phá cầu rồi lại giữ cầu
Cuối năm ngoái, tôi được ông Ngô Sĩ Nguyên, cựu pháo thủ số 1 xe tăng 390 - xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975- mời đến nhà chơi. Đến nơi, tôi có dịp gặp lại ông Nguyễn Văn Tập, lái xe tăng 390 và một số cựu binh “lính tăng” khác mà tôi đã quen biết. Trong số vài người lạ có mặt tại đây, tôi để ý đến một người đàn ông nhỏ bé, lưng hơi gù, có đôi mắt rất sắc. Ông Nguyên giới thiệu: “Đây là anh Phạm Duy Đô, đại đội trưởng đặc công, người có mặt sớm tại Dinh Độc Lập trong ngày 30/4”.
Hôm đó, có dịp trò chuyện với cựu chiến binh (CCB) Phạm Duy Đô, tôi mới hay người lính có dáng người thấp bé ấy trong chiến tranh là một đặc công nước thiện chiến, từng nhiều lần vào sinh ra tử. Ông Đô cho biết, khi nhập ngũ ông cao tới mét bảy, nhưng đến khi có tuổi, do ảnh hưởng của những vết thương nên cơ thể ông co rút xuống trở thành người thấp bé như hiện nay.
Từ trái sang: CCB Phạm Duy Đô (thứ 2), cựu pháo thủ số 1 xe tăng 390 Ngô Sĩ Nguyên (thứ 4), cựu lái xe tăng 390 Nguyễn Văn Tập (thứ 6) và một số đồng đội trong ngày vui gặp mặt. |
Rồi CCB Phạm Duy Đô chia sẻ, ông sinh ra tại vùng sông nước Thái Bình và bơi lội rất giỏi, nên khi nhập ngũ năm 1969 ông được tuyển lựa vào lính đặc công nước. Sau khi huấn luyện được 6 tháng, Phạm Duy Đô đã được đơn vị lựa chọn là một trong sáu người bơi mẫu để các học viên của Trường Lục quân 1 (Sơn Tây, Hà Nội) quan sát, học tập. Năm 1971, khi Chủ tịch Cu Ba Phidel Castro sang thăm Việt Nam, Phạm Duy Đô tiếp tục được lựa chọn trong đội hình tập trận của quân đội ta.
“Ngày ấy, chúng tôi biểu diễn gồm 3 nội dung là bơi qua sông Hồng để đánh vào sân bay Gia Lâm, đánh chiếm nội đô và buộc bộc phá vào chân cầu Long Biên để giả tưởng tình huống phá hủy cầu. Đây là những nội dung mà sau này chúng tôi có dịp áp dụng khi tiến vào giải phóng Sài Gòn”- CCB Phạm Duy Đô cho biết.
Sau cuộc tập trận biểu diễn trên không lâu, Phạm Duy Đô theo đơn vị hành quân vào miền Nam. Tại chiến trường, ông đã trải qua hàng trăm trận đánh và bị thương. “Năm 1972, trong trận chiến với địch tại Biên Hòa, tôi bị đạn găm vào hai bên đùi, rồi bị cây đổ đè vào cột sống khiến tôi bất tỉnh. Đồng đội tưởng tôi hy sinh, khiêng ra bờ suối để đợi đến sáng đem chôn. Không ngờ, đến nửa đêm tôi tỉnh lại, được đưa đi điều trị rồi sau đó lại được tiếp tục tham gia chiến đấu”- CCB Phạm Duy Đô bồi hồi nhớ lại.
Giữa năm 1974, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn khốc liệt, đơn vị của Phạm Duy Đô (Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116, Sư đoàn đặc công 305) được lệnh phá cầu xa lộ Đồng Nai, một vị trí trọng yếu để tiến vào Sài Gòn. Một số đồng đội của Phạm Duy Đô được cử đi nghiên cứu thực địa, triển khai nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, khi kế hoạch chuẩn bị được thực thi, đơn vị lại nhận được lệnh của cấp trên dừng việc phá cầu.
“Hồi đó, chúng tôi chưa hiểu sự thay đổi này. Nhưng đến giữa tháng 4/1975, khi nhận lệnh đánh chiếm và giữ bằng được cây cầu trọng yếu này để đại quân vào giải phóng Sài Gòn, chúng tôi mới hiểu mệnh lệnh của cấp trên trước đó”- CCB Phạm Duy Đô cho biết. Rồi ông chia sẻ, ngày 26/4/1975, Đại đội 1 do ông làm đại đội trưởng được lệnh về Sở chỉ huy của tiểu đoàn nhận nhiệm vụ mũi nhọn đánh chiếm cầu Đồng Nai. Chấp hành mệnh lệnh, rạng sáng 27/4, Đại đội 1 chia làm hai mũi áp sát cầu. Lúc này, tàn quân địch đóng đông nghịt tại ngã ba Long Bình. Xe tăng, xe bọc thép đỗ san sát mặt đường. Có thể do hoảng loạn và mệt mỏi vào lúc gần sáng nên nhiều binh lính địch ôm súng ngồi ngủ gật. Lợi dụng tình hình, Đại đội 1 đặc công áp sát trận địa và nổ súng tiến công. Cùng lúc, các đơn vị khác của Trung đoàn đặc công 116 cũng phát động tấn công. Sau một thời gian chiến đấu, quân ta đã chiếm giữ được một đầu cầu Đồng Nai.
Lúc này, trời đã sáng, địch tập trung hỏa lực chiếm lại cầu. Trước tình thế địch đông quân hơn nhiều, trong khi đại quân ta vẫn chưa đến nên Trung đoàn 116 tạm rút khỏi đầu cầu Đồng Nai khoảng nửa cây số, chờ cơ hội đánh chiếm lại cầu.
Phất cờ giải phóng tại Dinh Độc Lập
Lá cờ giải phóng được đại đội trưởng Phạm Duy Đô phất cao tại Dinh Độc Lập hiện được trưng bày tại Bảo tàng Đặc công |
Ngày 29/4, Trung đoàn đặc công 116 bắt đầu đánh chiếm lại đầu cầu Đồng Nai và phía nam Tổng kho Long Bình. Sau hai giờ tấn công, quân ta đã chiếm được hai mục tiêu trên. Lúc này, địch bắt đầu tính đến kế hoạch cuối cùng là sẽ phá hủy cầu nếu không ngăn chặn bước tiến của quân ta. Chúng bố trí 4 quả bom tấn, sẵn sàng kích nổ khi không thể giữ được cầu.
Trước tình thế ngặt nghèo, quân ta tìm cách phải phá hủy trạm điện để địch không thể kích nổ bom phá cầu. Đại đội trưởng Phạm Duy Đô và hai chiến sĩ được giao nhiệm vụ này. Họ đã mang theo bộc phá, lặng lẽ bơi sang đầu cầu bên kia mà không để lại động tĩnh. Lên tới bờ, các anh bí mật áp sát trạm điện để gài bộc phá rồi lặng lẽ lùi xa mục tiêu. Bộc phá được kích nổ, trạm điện nổ tung trước sự ngỡ ngàng của quân địch. Chúng đồng loạt nổ súng về phía các chiến sĩ đặc công khiến hai chiến sĩ hy sinh, đại đội trưởng Phạm Duy Đô bơi được về bên kia bờ.
Rạng sáng 30/4, quân ta bắt đầu tập trung đánh chiếm cầu Đồng Nai. Toàn bộ trận địa rung chuyển bởi các loạt đạn nổ chát chúa. Quân địch yếu thế dần, buộc phải rút khỏi cầu. Đang lúc thắng thế, đại đội trưởng Phạm Duy Đô chăm chú quan sát, rồi vui mừng hô lớn: “Xe tăng ta đến rồi”. Tín hiệu bắt liên lạc lập tức bắn lên. Trận địa bỗng im hẳn tiếng súng, chỉ còn nghe tiếng xích xe tăng nghiến trên mặt xa lộ. Đó chính là đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 (Quân đoàn 2) đang rầm rập tiến đến. Trung đoàn đặc công 116 để lại một lực lượng giữ cầu, còn lại tốc chiến cùng xe tăng ta thẳng tiến vào nội đô Sài Gòn.
Trong số đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 năm ấy, hai chiếc xe tăng số hiệu 390 và 843 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1) đã tới Dinh Độc Lập đầu tiên. Và đại đội trưởng Bùi Quang Thận (trưởng xe tăng 843) đã tháo lá cờ trên tháp pháo xe tăng để lên nóc Dinh Độc Lập cắm cờ chiến thắng. Ngay sau đó, đại đội 1 đặc công của trung úy Phạm Duy Đô cũng vào đến đến nơi. “Vừa chạy vào Dinh, tôi vừa lấy lá cờ trong túi ra. Bất chợt, tôi nhìn thấy một chiếc cán cờ nên đã cầm theo và gài cờ lên đó. Chạy lên tầng hai Dinh Độc Lập, tôi ra ban công vẫy cờ để báo hiệu cho quân ta tiếp tục tiến vào”- CCB Phạm Duy Đô cho biết.
CCB Phạm Duy Đô chia sẻ thêm, trong chiến đấu, do phải phối hợp giữa các đơn vị khác nhau, nên mỗi đơn vị thường được cấp một số lá cờ để làm tín hiệu nhận ra nhau cũng như báo hiệu an toàn. Lá cờ này khi gấp lại rất gọn, dễ mang trong quá trình chiến đấu và hành quân. “Sau khi phất cờ xong, tôi vào trong để cùng phối hợp bắt nội các của tổng thống Dương Văn Minh”- CCB Phạm Duy Đô cho biết.
Sau khi miền Nam giải phóng, đại đội trưởng Phạm Duy Đô về làm quân quản ở Thủ Đức rồi được điều về đảm nhiệm công tác huấn luyện chiến sĩ mới tại Quân khu 7. Năm 1983, do sức khỏe yếu (là thương binh bậc 2/4), ông xuất ngũ, về quê hương Thái Bình sinh sống. Gần đây, khi gọi điện hỏi thăm CCB Phạm Duy Đô, tôi được ông tâm sự rằng những năm tháng được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam luôn là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời ông. “Nhớ lại cuộc gặp với những CCB đã vào Dinh Độc Lập như anh Ngô Sĩ Nguyên, anh Nguyễn Văn Tập... gần đây, tôi như được sống lại những ngày tháng tư lịch sử của 45 năm về trước”- CCB Phạm Duy Đô chia sẻ.
Theo tienphong.vn
Ý kiến bạn đọc