Luận cương của V.I.Lênin và cách mạng Việt Nam
BHG - Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, có rất nhiều nhân sỹ, những thanh niên yêu nước rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Mỗi người đều có con đường riêng của mình để giải phóng dân tộc, và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người như vậy. Tuy nhiên, bằng sự nhạy cảm chính trị thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy những hạn chế và bế tắc về mục tiêu và phương pháp cách mạng của các nhà yêu nước đương thời khó đi đến thành công. Người quyết định đi tìm con đường cứu nước. Và nước Pháp và các nước phương Tây là lựa chọn trên con đường cứu nước của Hồ Chí Minh. Bởi theo Người, thời điểm bấy giờ thực dân Pháp đang đô hộ Việt Nam vì vậy Người đến Pháp để nghiên cứu, tìm hiểu xem đằng sau những từ “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” là gì?. Và chuyến đi nào, con đường nào cũng có rất nhiều chông gai, khó khăn, thử thách. Trong bóng tối của chủ nghĩa thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp được ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là cơ sở lý luận quan trọng nhất để Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm đến với con đường cách mạng cho sự nghiệp giải phóng dận tộc, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva ngày 25.5.1919. Ảnh: Tư Liệu |
Tháng 7.1920, Người đã được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lênin (thường được gọi là Luận cương của Lênin) đăng trên báo Nhân đạo (L'Humanité) Pháp. Bản Luận cương đó như luồng tia sáng chiếu rọi vào tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc, đem đến cho Người một nhãn quan chính trị mới. Sự kiện Nguyễn Ái Quốc đọc bản bản Luận cương của Lênin, cùng với những hoạt động sát cánh với các tầng lớp công nhân, trí thức Pháp và các đại biểu thuộc địa, là tiền đề có tính quyết định việc Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và thành lập Đảng Cộng sản Pháp, tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII tổ chức ở thành phố Tours, tháng 12.1920. Người đã trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Luận cương của Lênin được Lênin viết trong tháng 6 - 7 năm 1920 chỉ rõ: “Trọng tâm trong toàn bộ chính sách của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa là cần phải đưa giai cấp vô sản và quần chúng lao động tất cả các dân tộc và các nước lại gần nhau trong cuộc đấu tranh cách mạng chung để lật đổ địa chủ và tư sản..." (1). Đồng thời, Luận cương đề ra chương trình hành động cho các đảng cộng sản phải giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi…
Thời gian sống và hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã biết đến Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, nhưng chưa hiểu rõ ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười. Khi nghiên cứu Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy sự chỉ dẫn về con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Người cho rằng, đối với các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc và nhỏ yếu, “Muốn cứu nước và giải phóng dân độc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”(2).
Chính Luận cương của Lênin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản. Do nhu cầu của cách mạng, Người ra sức tìm hiểu, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn cách mạng Việt Nam đặt ra. Và từ Luận cương của Lê nin, Người đã tìm ra con đường đúng đắn để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Luận cương của Lênin đến nay đã tròn 100 năm, nhưng giá trị của Luận cương vẫn còn trường tồn, soi sáng con đường đi tới thắng lợi của Đảng ta. Hiện nay, toàn Đảng và toàn dân ta đang ra sức tích cực thi đua, lao động sản xuất để chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Trên con đường phát triển của mình, Đảng ta luôn trung thành với con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn – đó là con đường vững chắc để đưa đất nước ta ngày càng phát triển hùng mạnh.
Nguyễn Thị Gấm (Trường Chính trị tỉnh)
- Viện Mác - Lênin, tlđd, tr. 199
- Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr.314..
Ý kiến bạn đọc