70 năm sáng ngời truyền thống
BHG - Tháng 4 năm nay, những người làm báo chúng ta vô cùng xúc động, tự hào trong một sự kiện lịch sử lớn lao của nghề làm báo – Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21.4.1950 – 21.4.2020).
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tặng Lẵng hoa của Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ tỉnh cho Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí tỉnh trong Lễ khai mạc Hội báo Xuân Canh Tý (ngày 16.1.2020). Ảnh: DUY TUẤN |
Đã tròn 70 năm, dòng chảy của thời gian và sự kiện lịch sử lại ùa về nhắc nhở và ôn lại cho người làm báo hôm nay về những ngày làm báo sôi nổi nhưng vất vả, gian lao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc.
Ngày 2.9.1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cùng với hoạt động của chính quyền và đoàn thể cách mạng, ngày 27.12.1945, Đoàn báo chí Việt Nam được thành lập để tập hợp những người viết báo vào đội ngũ tuyên truyền cho một thời kỳ đầy biến động của lịch sử dân tộc. Ngày 19.12.1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác Hồ cùng Chính phủ, các đoàn thể rút lên chiến khu Việt Bắc để thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Hòa cùng đội ngũ kháng chiến, những người làm báo cũng lên đường, Đoàn báo chí Việt Nam được đổi tên thành Đoàn báo chí kháng chiến Việt Nam. Chiến khu Việt Bắc trở thành căn cứ địa và cũng là địa bàn hoạt động chính của những người làm báo, lúc này có các báo: Sự Thật, Cứu Quốc, Độc Lập, Phụ Nữ, Lao Động, Tiền Phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam, Quân đội Nhân dân; các khu, tỉnh cũng đều có báo hoặc bản tin của mình. Tại Nam Bộ đã hình thành mạng lưới báo, đài phát thanh hoạt động tại nhiều địa phương do Xứ ủy Nam Kỳ chỉ đạo.
Những người làm báo đã bám sát nhiệm vụ của kháng chiến đến với bộ đội, dân công hỏa tuyến nơi chiến trường; sản xuất lúa, gạo, ngô, khoai ở các vùng hậu phương; các lớp học bổ túc văn hóa, bình dân học vụ ở các làng bản hoạt động mọi mặt phục vụ cho mặt trận tuyến đầu chống thực dân Pháp xâm lược… đã được phản ánh đầy đủ và sinh động trên các trang báo, tờ tin để phục vụ nhân dân, bộ đội, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, trên các nẻo đường kháng chiến.
Ngày 4.4.1949, tại Việt Bắc, thực hiện chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn báo chí kháng chiến Việt Nam đã khai giảng trường dạy làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, khóa học đầu tiên và duy nhất có 42 học viên, đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp và trong lịch sử báo chí nước ta.
Đầu năm 1950, trước yêu cầu nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, để thế giới hiểu rõ, ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của chúng ta đồng thời đáp ứng nâng cao nhiệm vụ của báo chí – một tổ chức Hội thống nhất mang tính toàn quốc của những người làm báo là yêu cầu cấp bách được đặt ra. Chiều ngày 21.4.1950, tại Hội trường Nhà lá có 8 mái tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đại diện của các báo Đảng, mặt trận, các ngành, đoàn thể, Đài Tiếng nói Việt Nam đã họp, đồng chí Xuân Thủy được Đảng, Bác Hồ giao nhiệm vụ chủ trì Hội nghị. Hội nghị đã thống nhất cao, thay đổi nhiệm vụ của “Đoàn báo chí kháng chiến”, thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam”, thông qua Điều lệ, chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội do ông Xuân Thủy làm Hội trưởng; các ông Hoàng Tùng, Đỗ Đức Dục làm Hội phó; Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.
Ngày 2.6.1950, Hội được Chính phủ ra Quyết định công nhận và ngay sau đó Hội là thành viên của mặt trận Liên Việt. Đến tháng 7.1950, Đại hội của tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.
Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, cơ quan Hội chuyển về Thủ đô đặt trụ sở chính tại nhà 59, phố Lý Thái Tổ. Và nối tiếp Hội nghị đầu tiên thành lập Hội ngày 21.4.1950 – 70 năm qua, Hội của những người làm báo Việt Nam đã trải qua 10 kỳ Đại hội. Từ gần 300 nhà báo đầu tiên, hôm nay đã có gần 300 tổ chức Hội trực thuộc Trung ương Hội với 24.000 nhà báo, hội viên. Hội Nhà báo các cấp đã thực sự là ngôi nhà chung, nơi giao lưu, kết nối hội viên trong hoạt động nghiệp vụ; được nhân dân, Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ đi đầu trên mặt trận chuyển tải thông tin, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội. Tổ chức Hội và những người làm báo đã từng bước chiếm lĩnh lòng tin, có vị thế vững chắc trong lòng người dân, được nhân dân yêu quý vì đã đáp ứng, nói đúng, nói được tiếng nói của nhân dân trong thời kỳ xây dựng và phát triển của đất nước.
70 năm, một chặng đường vẻ vang, khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành, vững chắc đi lên cùng đất nước và dân tộc của tổ chức Hội Nhà báo và đội ngũ những người làm báo. Truyền thống hào hùng sẽ trở thành hành trang cho mỗi nhà báo hôm nay tự tin vững bước trong nghề làm báo của mình.
LÊ TRỌNG LẬP
Ý kiến bạn đọc