Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid – 19
BHG - Chiều 12.3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp & PTNT (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid – 19. Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu T.Ư có lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội, ngành hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT; đại diện các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT và một số sở, ngành liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang. |
Bước sang năm 2020, ngành nông nghiệp nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch Covid – 19 bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có nhiều diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 44 ổ cúm gia cầm do virus A/H5N6 và 5 ổ cúm A/H5N1 tại 14 tỉnh thành; tổng gia cầm chết và buộc tiêu hủy là 137.180 con. Đối với dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm đến nay cả nước phát sinh thêm 24 ổ dịch, làm 20.177 con lợn bị mắc và buộc tiêu hủy. Bên cạnh đó, một số dịch bệnh khác như lở mồm long móng, bệnh dại… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ngành chăn nuôi của nước ta.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển nông nghiệp năm 2020 trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp: Điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác; rà soát, xây dựng phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực như gạo, thanh long, sầu riêng, chanh leo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân; đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm; đẩy nhanh tiến độ tái đàn khôi phục đàn lợn, ổn định thị trường giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước; tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản chủ lực; quản lý, giám sát chặt chẽ quá trình khai thác thủy sản…
Đối với tỉnh ta, dịch Covid – 19 và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, ứng dụng KHKT vào sản xuất; chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; đối với dịch tả lợn châu Phi dù tỉnh ta đã công bố hết dịch nhưng vẫn tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn dịch tái phát trên địa bàn; hỗ trợ người chăn nuôi khôi phục đàn lợn, ổn định sản xuất…
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trước những thách thức lớn là biến đổi khí hậu, dịch Covid – 19 và dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp, các đơn vị trực thuộc Bộ và các địa phương cần phát huy vai trò của người đứng đầu, chủ động, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần tích cực vào cuộc cùng người nông dân từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi bền vững. Đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cho người dân trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Đồng chí cũng kêu gọi các bộ, ngành liên quan và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào cuộc quyết liệt cùng ngành nông nghiệp triển khai hiệu quả các giải pháp bình ổn giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước…
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc