Các ngành T.Ư, địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2020
BHG * Sáng 10.1, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với các ban, bộ, ngành và địa phương Tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các đơn vị chủ chốt của ngành Tài chính tỉnh.
Hội nghị tại đầu cầu tỉnh Hà Giang. |
Năm 2019, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính – NSNN, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước. Tính đến hết 31.12.2019, thu cân đối NSNN đạt trên 1.549.000 tỷ đồng, vượt hơn 138.000 tỷ đồng, tăng 9,78% so dự toán; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 25,7% GDP, riêng thuế và phí đạt 21,1% GDP. Công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, tích cực, với phương châm chặt chẽ, tiết kiệm xuyên suốt từ khâu phân bổ dự toán cho đến quá trình thực hiện. Bội chi NSNN năm 2019 ước khoảng 3,4% GDP. Công tác quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro; năm 2019 dư nợ công dưới 55% GDP, dư nợ Chính phủ dưới 48,5% GDP, dư nợ vay nước ngoài của Quốc gia khoảng 45,8% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Tại Hà Giang, công tác tài chính – NSNN năm 2019 có nhiều chuyển biến tích cực, thu NSNN đạt trên 15.000 tỷ đồng: Trong đó, thu bổ sung từ ngân sách T.Ư gần 11.000 tỷ đồng, thu chuyển nguồn ngân sách là hơn 2.100 tỷ đồng, thu NSNN trên địa bàn ước đạt trên 2.200 tỷ đồng; thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách địa phương cho đầu tư phát triển đạt hơn 2.800 tỷ đồng; chi thường xuyên ước đạt trên 9.600 tỷ đồng… Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019 cũng gặp không ít khó khăn, thách thức cả từ môi trường bên ngoài và những vấn đề nội tại của nền kinh tế; việc đổi mới đơn vị sự nghiệp công, cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn chậm; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm; tình trạng thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị…
Đánh giá cao những kết quả ngành Tài chính đạt được trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh: Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 và Chiến lược 10 năm 2021 – 2030; ngành Tài chính cần bám sát kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN đã được Quốc hội thông qua với chủ đề “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, phấn đấu thực hiện đến mức cao nhất mục tiêu tài chính – NSNN. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Tài chính điều hành chính sách tài khoá chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững. Yêu cầu tăng cường quản lý giá, thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính, đa dạng các định chế tài chính, tổ chức dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm; tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, tái cấu trúc, cổ phần hoá doanh nghiệp theo Nghị quyết T.Ư 5 khoá XII; tích cực hội nhập tài chính quốc tế; ưu tiên dành nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội khác…
Tin, ảnh: Phi Anh
* Chiều 10.1, tại trụ sở UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Dự án Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2 (gọi tắt là Kfw8) tổ chức họp nhằm tổng kết hoạt động năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, các huyện là thành viên Ban chỉ đạo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến phát biểu kết luận tại cuộc họp. |
Thực hiện kế hoạch giao năm 2019, Ban chỉ đạo dự án đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ để Ban quản lý dự án Kfw8 tỉnh triển khai thực hiện với một số kết quả như sau: Công tác tuần tra bảo vệ rừng, các thôn đã thực hiện được 4.374 công, phát hiện 124 vụ vi phạm. Chuyển tiền vào tài khoản Quỹ phát triển thôn bản cho 11/11 thôn với 6.314 triệu đồng. Tiếp tục vận hành 26 nhóm tiết kiệm tín dụng thôn bản với tổng số tiền là 2,4 tỷ đồng. Trong năm các nhóm đã cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng. Hỗ trợ Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già đóng mốc ranh giới rừng đặc dụng bằng cột bê tông. Tổ chức được 34 lớp tập huấn xây dựng tuyến tuần tra rừng và xử lý tình huống, 75 khóa đào tạo phát triển sinh kế cho người dân. Tổng giá trị giải ngân vốn ODA, vốn không hoàn lại và vốn đối ứng năm 2019 đạt hơn 14 tỷ đồng.
Đánh giá về tình hình thực hiện Dự án Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2 trong năm 2019, BQL dự án các cấp đã hoàn thành công tác phân vùng rừng và chuyển kinh phí cho 75/75 quỹ của thôn tham gia dự án. Tổng số hộ gia đình được hưởng lợi từ dự án là 6.383 hộ. Các thôn tham gia dự án được phân chia 18.618 ha rừng đặc dụng để xây dựng các tuyến tuần tra và tổ chức tuần tra rừng. Nhìn chung các công việc đều hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, góp phần bảo vệ rừng và đem lại nhiều lợi ích cho người dân.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến khẳng định, dự án đã mở ra một cách thức mới trong khoanh nuôi, bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Qua thực hiện dự án đã làm thay đổi tư duy của cán bộ và nhận thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Tỉnh sẽ đề xuất với Trung ương cho kéo dài dự án đến năm 2024 và mở rộng dự án đối với khu rừng đặc dụng Chí Sán từ năm 2020. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm tới, đồng chí đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm triển khai thực hiện. Ban quản lý dự án tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra dự án năm 2020 với đề cương kiểm tra cụ thể. Công khai, minh bạch tài chính tại trụ sở các thôn, xã tham gia dự án; nghiên cứu các mô hình, cách làm hay ở các tỉnh bạn để tham mưu với Ban chỉ đạo tỉnh lồng ghép các nguồn vốn bảo vệ rừng để nâng cao thu nhập cho người dân hưởng lợi từ dự án. Ban quản lý dự án tỉnh kiểm tra, rà soát lại các nhóm tiết kiệm tín dụng tại các thôn bản, hướng dẫn các nhóm cách thức tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo không để xảy ra nợ xấu, nợ quá hạn…
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
* Sáng 10.1, BCH Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, thường trực UBND các huyện, thành phố…
Các đại biểu dự hội nghị. |
Năm 2019, toàn tỉnh thành lập mới 54 tổ hợp tác (THT), 61 HTX, nâng tổng số THT toàn tỉnh lên 1.122 THT/12.637 gia đình tham gia và có 668 HTX với trên 19 nghìn thành viên. Trong đó, 85,7% HTX đang hoạt động, 14,3% HTX ngừng hoạt động. Hoạt động của THT đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động vùng nông thôn. Bên cạnh đó, nhiều HTX tích cực tham gia chuỗi giá trị, nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, liên kết, tạo đầu mối với các doanh nghiệp để thu mua, chế biến nông sản cho thành viên; qua đó, hình thành một số mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, như: Phát triển chuỗi sản phẩm mật ong Bạc hà, cam Sành, chè Shan tuyết… Đặc biệt, nhiều HTX có sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xếp hạng 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX và thành viên tham gia.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung bàn giải pháp khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, như: Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 45 – 50 HTX; xây dựng 3 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; giải thể các HTX không hoạt động thuộc diện giải thể; phấn đấu giảm số HTX ngừng hoạt động dưới mức 10%...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đề nghị Ban đại diện HTX các huyện, thành phố tổ chức hội nghị tổng kết công tác HTX, triển khai nhiệm vụ năm 2020; trong đó, đánh giá đúng thực trạng, bàn giải pháp khắc phục hạn chế trong hoạt động của HTX; không lấy số lượng HTX làm mục tiêu mà chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của HTX. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với cơ quan hữu quan tham mưu UBND tỉnh kế hoạch thực hiện nhiệm vụ HTX năm 2020. Trong đó, tập trung thực hiện nội dung: Mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho chức danh giám đốc, phó giám đốc, kế toán HTX; dành kinh phí tập trung phát triển HTX, giúp HTX tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất, kinh doanh; ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động của HTX; tổ chức đối thoại, hội chợ ý tưởng để phát triển HTX. Đồng thời, phát huy vai trò Trung tâm Tư vấn hỗ trợ phát triển HTX tỉnh trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến giao BCH Liên minh HTX tỉnh lựa chọn huyện Bắc Mê làm điểm để tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng một số mô hình HTX điển hình tiên tiến, làm nổi bật kinh tế tập thể của tỉnh.
Tin, ảnh: THU PHƯƠNG
*Chiều 10.1, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị BCH lần thứ 4, khóa IX, nhiệm kỳ 2018 – 2023, nhằm đánh giá công tác Hội và đưa ra phương hướng nhiệm vụ năm 2020...
Lãnh đạo Hội Nông dân trao Bằng khen cho các tổ Hội đã có thành tích xuất sắc trong năm 2019. |
Trong năm qua, Hội Nông dân, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh tiếp tục phát triển, Hội đã phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào nông dân và xây dựng Nông thôn mới, có những bước tiến, tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi, tổ Hội; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, hội viên (HV), nông dân. Qua đó đã thu được nhiều kết quả nổi bật: Trong năm kết nạp được 1.887 HV, nâng tổng số HV toàn tỉnh là 113.578 HV; có 8.845 hộ đạt danh hiệu Hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đạt 101% kế hoạch. Tổ chức thành công lễ vinh danh “Nhà Nông xuất sắc tỉnh Hà Giang năm 2019”. Vận động HV xây dựng mô hình phát triển kinh tế với nhiều mô hình nổi bật như: Vườn rau dinh dưỡng; mô hình “100 đồng” từ thu gom phế liệu và cho HV vay phát triển kinh tế...; huy động được 27.322 triệu đồng vào Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, tăng 1.250 triệu đồng so với năm 2018; tổ chức dạy nghề cho 5.293 học viên về kỹ thuật chăn nuôi trâu, lợn... đạt 167% và đã có 3.824 HV làm việc thường xuyên sau học nghề, đạt 172% kế hoạch. Cùng với đó, Hội quan tâm định hướng hỗ trợ HV, nông dân quảng bá và tiêu thụ nông sản cho HV.
Tại Hội nghị các đại biểu đã cùng thảo luận về những mặt tích cực, hạn chế trong năm 2019 và thống nhất đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2020. Tại hội nghị đã có 10 tập thể và 12 cá nhân được nhận Bằng khen của Hội Nông dân.
Tin, ảnh: Hoàng Yến
* Ngày 10.1, Hội Làm vườn tỉnh tổ chức hội nghị Ban chấp hành lần thứ 5, khóa III, nhiệm kỳ 2017 – 2022. Tham dự có: Đại diện các ban, ngành của tỉnh; Hội Làm vườn các huyện, thành phố.
Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp VAC” cho các hội viên |
Đến nay, Hội làm vườn tỉnh có tổng số 13.714 hội viên. Năm qua, thực hiện công tác củng cố tổ chức Hội, Hội Làm vườn các huyện, thành phố đã hoàn thành Đại hội nhiệm kỳ 2019 – 2024. Thực hiện phong trào thi đua làm vườn giỏi, đã có 885 hộ làm vườn điển hình đạt thu nhập từ 150 triệu đồng/năm. Các cấp Hội đã quan tâm tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động trên 1.200 lượt người phát triển kinh tế vườn-ao-chuồng (VAC); phối hợp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 972 lượt hội viên; tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình; phối hợp với Hội Nông dân và các ngành chức năng hỗ trợ 220 lượt hội viên quảng bá các sản phẩm như: Cam sành, chè, mật ong hoa Bạc hà… qua đó, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế vườn hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đề ra phương hướng hoạt động năm 2020 như: Tiếp tục củng cố các chi hội làm vườn; tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế VAC theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình OCOP của tỉnh; tuyên truyền, vận động hội viên không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; sản xuất sản phẩm VAC, trang trại đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dịp này, đã có 5 hội viên được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp VAC” của Trung ương Hội làm vườn Việt Nam.
Tin, ảnh: Lê Hải
* Ngày 10.1, tại Tòa án Nhân dân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 và ký kết quy chế phối hợp giữa Hội Luật gia tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Các cá nhân có thành tích xuất sắc nhận Bằng khen của Hội Luật gia Việt Nam. |
Năm 2019, Hội Luật gia tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị, đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp hoạt động, gắn thi đua của Hội với các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, đơn vị. Trong năm, 100% hội viên được học tập, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; nghiên cứu, tham gia ý kiến vào 66 dự thảo văn bản của T.Ư và địa phương. Các hội viên với tư cách là trợ giúp viên pháp lý đã tham gia thực hiện 36 đợt tư vấn pháp luật, trong đó có 325 vụ việc được trợ giúp pháp lý; tư vấn pháp lý cho 90 đối tượng. Thường xuyên phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải cho các cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã, tham gia hòa giải trong các lĩnh vực đất đai, hôn nhân và gia đình, dân sự và các tranh chấp nhỏ; trong năm đã tiếp nhận 195 vụ việc, trong trong dó hòa giải thành là 115 vụ, đang tiến hành hòa giải là 61 vụ.
Năm 2020, Hội tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, phát triển các chi hội ở các huyện và hội viên rộng khắp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động; đổi mới phương thức hoạt động; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật phổ thông miễn phí cho mọi đối tượng, tạo niềm tin cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tư vấn pháp luật.
Tại Hội nghị, Hội Luật gia tỉnh đã phát động phong trào thi đua năm 2020 và ký kết quy chế phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng chính sách pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý và giám sát việc thi hành pháp luật, hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2020. Ghi nhận những thành tích đạt được trong năm 2019, Hội Luật gia Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Hội năm 2019.
Tin, ảnh: Thanh Thủy
* Chiều 10.1, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng CSXH tỉnh năm 2020. |
Năm 2019, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Hà Giang chủ động tham mưu triển khai, thực hiện các chính sách tín dụng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách, hộ cận nghèo và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Chủ động xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, đôn đốc lãi tồn và huy động tiền gửi. Tổng nguồn vốn hoạt động năm 2019 của Chi nhánh là 2.903 tỷ đồng, tăng 246 tỷ đồng so với năm 2018, trong đó vốn huy động của các tổ chức, cá nhân là 156 tỷ đồng, đạt 161% kế hoạch giao; tiền gửi qua tổ TK&VV đạt 58 tỷ đồng; tổng dư nợ toàn chi nhánh là 2.895 tỷ đồng với 82.532 khách hàng, đạt tỷ lệ tăng 9,2%. Doanh số cho vay đạt 907 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 659 tỷ đồng; nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,15%. Chất lượng tín dụng ổn định, chất lượng công tác cho vay và đôn đốc thu hồi nợ được nâng cao, làm tốt công tác vận động nhân dân gửi tiền vào các tổ TK&VV, tỷ lệ giao dịch tại xã đạt 94%, duy trì tốt lịch trực tại 195/195 xã, phường, thị trấn; củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, tuyên truyền nêu gương điển hình những gia đình sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, từng bước thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tiến hành cho vay qua các tổ chức đạt 2.890 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng 9,2%, dư nợ bình quân đạt 35 triệu đồng/hộ...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham luận làm rõ kết quả đã đạt được về các hoạt động tín dụng chính sách năm 2019, đồng thời phân tích rõ nguyên nhân của những hạn chế và đóng góp nhiều ý kiến thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Trong đó, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách”; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 10%/năm, tỷ lệ nợ quá hạn dưới mức 0,15%/tổng dư nợ, tăng tỷ lệ giao dịch tại xã trên 95% và có 97% trở lên tổ TK&VV đạt loại tốt, khá; thu nợ thực tế nợ đến hạn đạt 95%; tập trung giải ngân tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cao và các xã xây dựng NTM; củng cố nâng cao chất lượng tín dụng tại các xã có hoạt động tín dụng thấp; phối hợp tốt với các tổ chức chính trị xã hội triển khai thực hiện các chính sách tín dụng trên địa bàn…
Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân thuộc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các Phòng giao dịch huyện, thành phố được nhận Bằng Khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Tin, ảnh: Vương Mai
*Chiều 10.1, tại huyện Bắc Quang, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Giang tổ chức hội nghị giao ban Quỹ tín dụng nhân dân (TDND), nhằm đánh giá kết quả hoạt động năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.
Năm qua, hoạt động của các Quỹ TDND tuân thủ quy định của pháp luật, tiếp tục phát triển ổn định, hiệu quả và tăng trưởng an toàn. Đến nay toàn tỉnh có 10 Quỹ TDND với 10.256 thành viên tham gia, tổng nguồn vốn đạt hơn 813 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 642 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đến thời điểm này là 729 tỷ đồng, chiếm 89,75%. Tỷ lệ nợ xấu cơ bản được kiểm soát, không phát sinh thêm. Các Quỹ TDND đã hỗ trợ kịp thời cho các thành viên vay vốn phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng đời sống khu vực nông thôn, giảm thiểu tín dụng đen trên địa bàn.
Về nhiệm vụ năm 2020, các Quỹ TDND tập trung thực hiện các nhóm giải pháp nhằm củng cố, phát triển hệ thống đủ năng lực tài chính, quản trị, điều hành, bảo đảm hoạt động bền vững theo đúng phương án đã được Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh phê duyệt. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác huy động vốn, bám sát các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh để cho vay, nhất là ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu, tăng cường thu hồi các khoản nợ đến hạn, quá hạn, tạo vốn vay quay vòng nhanh cho các thành viên.
MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc