Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại tổ về một số dự án luật
BHG - Chiều 19.11, sau khi nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra, Quốc hội tiến thảo luận tại tổ về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Tại tổ 10, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang, ĐBQH thuộc các Đoàn: Hà Giang, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Hải Dương đã tham gia nhiều ý kiến. Đoàn Hà Giang có Phó Trưởng đoàn ĐBQH Vương Ngọc Hà và ĐBQH Hầu Văn Lý tham gia một số nội dung.
Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh chủ trì thảo luận tại tổ 10 |
Theo đó, cho ý kiến vào Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Vương Ngọc Hà đề nghị đối với chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại cần lưu tâm đến đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, cần có chính sách tạo điều kiện cho các đối tượng này khi tham gia vào nội dung hòa giải, đối thoại tại tòa án; Ban soạn thảo rà soát Điều 15 trình tự nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại tòa án; Điều 17 chuẩn bị hòa giải, đối thoại để đúng với tính chất của dự thảo luật đưa ra theo tờ trình của Chính phủ...
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà tham gia thảo luận về Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án |
Cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, đại biểu Hầu Văn Lý đề nghị: Ban soạn thảo tiếp tục rà soát lại các nội dung sửa đổi trong luật và bám sát vào thể chế hóa đầy đủ theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và cân nhắc một số nội dung như:
Về tổ chức giám định tư pháp công lập (Điều 12): Dự thảo luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao”. Theo đại biểu đây là nội dung hoàn toàn mới, vì vậy vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa nên đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung lần này.
ĐBQH Hầu Văn Lý cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. |
Về chi phí giám định tư pháp: Đề nghị thay cụm từ “chi phí giám định tư pháp” thành “phí giám định tư pháp” cho phù hợp với Luật Phí và Lệ phí.
Tin, ảnh: Duy Tuấn - Thu Hiền
Ý kiến bạn đọc